Tổng thống Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ở Singapore hồi tháng 6. (Ảnh: AFP) |
“Câu chuyện trên New York Times liên quan tới việc Triều Tiên phát triển các cơ sở tên lửa là không chính xác. Chúng tôi đã biết rõ về các cơ sở đang được thảo luận, không có gì mới và cũng không có chuyện gì bất thường xảy ra”, Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter ngày 13/11.
“Lại là thông tin giả mạo. Tôi sẽ là người đầu tiên cho các bạn biết nếu mọi chuyện diễn biến xấu!”, Tổng thống Trump viết tiếp.
Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi New York Timesđăng thông tin từ các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington ngày 12/11 cho biết các hình ảnh vệ tinh đã phát hiện 13 căn cứ tên lửa đang được Triều Tiên bí mật vận hành.
Nghiên cứu của CSIS cho rằng các cơ sở tên lửa này có thể được Triều Tiên sử dụng để cất giấu các tên lửa di động và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. CSIS cũng cảnh báo Triều Tiên có thể duy trì các cơ sở này, thậm chí có khả năng tấn công bằng tên lửa, ngay cả khi Bình Nhưỡng đang tiến hành các cuộc đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump.
CSIS tiết lộ 13 cơ sở tên lửa khả nghi trên là một phần trong số 20 cơ sở nằm rải rác dọc lãnh thổ Triều Tiên và vị trí của chúng thường nằm ở các thung lũng hẹp - nơi cho phép di chuyển nhanh chóng tới vị trí tấn công. Theo báo cáo của Beyond Parallel, một nhóm thuộc CSIS, Triều Tiên được cho là có các cơ sở ngầm chứa bệ phóng di động, cho phép triển khai nhanh chóng tới nhiều vị trí khác nhau. Mặc dù không được thiết kế để trở thành nơi phóng tên lửa, song các cơ sở vẫn có thể được sử dụng để phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Ngoài Tổng thống Trump, Hàn Quốc cũng phản bác kết quả nghiên cứu của CSIS. Seoul nói rằng các cơ sở tên lửa của Triều Tiên như CSIS đề cập đã được biết đến từ nhiều năm trước đây. Kim Eui-kyeom, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, phủ nhận cáo buộc cho rằng Triều Tiên đã “lừa dối” vì theo ông Kim, Bình Nhưỡng chưa bao giờ cam kết từ bỏ các tên lửa tầm ngắn.
Phát hiện của CSIS dường như đi ngược lại với các tuyên bố của chính quyền Trump gần đây rằng Mỹ đã đạt được tiến triển trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng đã dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa từ đầu năm nay, tuy nhiên các chuyên gia nhận định Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào về việc dỡ bỏ hoàn toàn các cơ sở tên lửa cũng như dừng phát triển kho vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên từng “tự hào” vì sở hữu kho tên lửa uy lực, bao gồm các tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm phóng tới lãnh thổ Mỹ. Mặc dù giới chuyên gia vẫn hoài nghi về năng lực tấn công của tên lửa Triều Tiên nhằm vào Mỹ, song ít ai phủ nhận nguy cơ của loại vũ khí này đối với Hàn Quốc và Nhật Bản - hai nước láng giềng của Triều Tiên. Triều Tiên đã triển khai các tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 90-150km từ khu phi quân sự chia tách biên giới Hàn - Triều.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo VietNamNet