Thế giới

Triều Tiên công bố kế hoạch huỷ bãi thử hạt nhân

Chính quyền CHDCND Triều Tiên vừa công bố kế hoạch phá huỷ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, trong động thái được mô tả là nhằm tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) sắp có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Tổng thống Mỹ đương quyền gặp gỡ lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên. Cuộc gặp dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 tới. Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) mới đây đã công bố kế hoạch cụ thể của Triều Tiên về việc nước này sẽ phá huỷ bãi thử hạt nhân Punggye-ri vào ngày 23 hoặc 25/5, tuỳ “điều kiện thời tiết”.

Theo AFP, bãi thử Punggye-ri nằm ở vùng đông bắc Triều Tiên, là nơi chính quyền Bình Nhưỡng thực hiện cả 6 vụ thử nghiệm hạt nhân, gần nhất là vụ thử nghiệm hồi tháng 9/2019. Triều Tiên khi đó khẳng định đã thử nghiệm thành công một quả bom H (bom khinh khí) có sức công phá hơn cả 2 quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống thành Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi Thế chiến II.

Thông báo của KCNA cho biết, quá trình phát huỷ Punggye-ri sẽ bao gồm việc cho nổ tất cả các đường hầm dẫn vào lòng núi, lấp miệng hầm, di dời các công trình, thiết bị trong khu vực bãi thử. Triều Tiên cho biết phóng viên các nước Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Hàn Quốc sẽ được phép chứng kiến vụ phá huỷ. Hồi tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc giám sát quá trình ký hiệp ước hoà bình giữa 2 nước cũng như việc dừng chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lập tức lên tiếng hoan nghênh quyết định của Triều Tiên. Trên trang cá nhân, ông Trump cho rằng, đây là một cử chỉ “thông minh và tử tế”. Trong khi đó, phía Hàn Quốc cũng ra thông báo tương tự. Văn phòng Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) nhận định, quyết định trên cho thấy việc Triều Tiên sẵn sàng cho quá trình phi hạt nhân hoá qua hành động cụ thể, thay vì chỉ là lời nói.

Chỉ là bước đầu

Một báo cáo trước đó của Trung Quốc nói, sau vụ thử nghiệm hồi tháng 9/2017, hệ thống công trình ở bãi thử Punggye-ri đã bị sập, khiến cho việc tiếp tục các cuộc thử nghiệm tại đây trở nên không an toàn. Tuy nhiên, nguồn tin tình báo của Mỹ khẳng định, bãi thử Punggye-ri vẫn có thể sử dụng bình thường, và Triều Tiên hoàn toàn có thể tái khởi động trong thời gian ngắn nếu đóng cửa.

Theo ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Học viện nghiên cứu quốc tế Middlebury tại California, các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy có hoạt động di dời một số công trình ở bãi thử Punggye-ri. Ông Lewis mặc dù vậy nhận định, việc Triều Tiên đóng cửa bãi thử này là một tín hiệu tốt, nhưng không thể hiện với việc Bình Nhưỡng chấp nhận phi hạt nhân hoá. Một ví dụ ông Lewis nhắc tới là việc Bình Nhưỡng từng dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân vào năm 2012. Thêm vào đấy, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố, Triều Tiên đã thành công với việc chế tạo vũ khí hạt nhân, sở hữu tên lửa liên lục địa có tầm bắn chạm tới lãnh thổ Mỹ.

Trong một diễn biến khác, Yonhap hôm qua đưa tin, một số doanh nghiệp Hàn Quốc đang tiến hành thủ tục để hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong giữa nước này với Triều Tiên. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa 2 miền nam-bắc Triều Tiên được cải thiện sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tin cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc và cả nước ngoài đã tìm hiểu các thủ tục để có thể mở dịch vụ tại Kaesong. Được thành lập năm 2004, Kaesong từng có 124 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động, sử dụng lực lượng lao động Triều Tiên lên tới 54.000 người. Tuy nhiên, vào giai đoạn căng thẳng trong mối quan hệ với Triều Tiên, chính quyền Seoul đã đóng cửa Kaesong.

Tác giả: An Quốc

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP