Trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng giảm của Mỹ ở khu vực Trung Đông thì Trung Quốc với sáng kiến Vành đai và Con đường đang nổi lên như một thế lực hàng đầu ở khu vực này. Tuy nhiên, giới học giả hiện nay ít chú ý đến sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa trái) trong một lần tới Trung Đông. Ảnh: New York Times. |
Giai đoạn 1978-1991: Trỗi dậy dần sau cái bóng của Mỹ và Liên Xô
Trong thời kỳ lãnh tụ Mao Trạch Đông cầm quyền, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh chủ yếu thiên về ý thức hệ. Khi ấy mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia cụ thể ở Trung Đông chủ yếu được quyết định bởi mối quan hệ giữa nhà nước đó với Mỹ hoặc Liên Xô.
Tuy nhiên, vào đầu kỷ nguyên của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào năm 1978, cách tiếp cận ý thức hệ nói trên đã nhường bước cho cách tiếp cận thực tế hơn, theo hướng phục vụ nhu cầu thương mại và kinh tế trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa khổng lồ của Trung Quốc.
Theo đó, Bắc Kinh bắt đầu thiết lập quan hệ thương mại với các nước trên toàn cõi Trung Đông, xây dựng các mối quan hệ kinh tế dưới hình thức bán vũ khí và xuất khẩu lao động Trung Quốc.
Tuy nhiên, do Chiến tranh Lạnh vẫn còn mà Trung Đông lại là địa bàn tranh đấu quyết liệt giữa Liên Xô và Mỹ vào lúc đó nên không còn chỗ cho lực lượng thứ 3 xen vào. Do vậy, Trung Đông vẫn nằm ở rìa của chính sách đối ngoại Trung Quốc trong phần lớn thời kỳ này. Chỉ tới khi Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc và chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc được đẩy mạnh, Bắc Kinh mới bắt đầu quan tâm tới việc gia tăng ảnh hưởng của mình để cạnh tranh với hai siêu cường Mỹ và Nga.
Giai đoạn 1992-2007: Khát dầu mỏ
Thời kỳ cuối của Chiến tranh Lạnh chứng kiến cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Trung Đông không dừng lại ở việc nâng cao vị thế toàn cầu mà còn củng cố mối quan hệ kinh tế sâu hơn nhằm hỗ trợ cho việc mở rộng nền kinh tế Trung Quốc.
Nỗ lực này của Trung Quốc gặp thuận lợi do vào năm 1992, Bắc Kinh đã thiết lập ngoại giao với tất cả các quốc gia trong khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, tiến trình hòa bình Arab-Israel vào thời điểm đó đã làm cho việc hợp tác kinh tế trở thành ưu tiên của các nước trong khu vực, tạo thuận lợi cho Bắc Kinh.Một bước phát triển quan trọng đối với sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc trong khu vực là việc Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu ròng các sản phẩm hóa dầu vào năm 1993. Khi nền kinh tế Trung Quốc cất cánh trong thập niên 1990, mối quan hệ hóa dầu của nước này với Trung Đông bung ra mạnh mẽ. Trong suốt thời kỳ còn lại, quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực Trung Đông được đặc trưng bởi nhu cầu mạnh của Trung Quốc đối với các sản phẩm hóa dầu của các nước vùng Vịnh – những sản phẩm góp phần đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế nóng của Trung Quốc lúc đó.
Giai đoạn 2008 tới nay: Quan tâm tới an ninh và địa chiến lược
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa vào năm 1978, Bắc Kinh tự nhận mình là “người bên lề” hay “người lướt qua” ở khu vực Trung Đông, và sự hiện diện của Trung Quốc tại đây chỉ nhằm vào thu lợi ích kinh tế tối đa.
Tuy nhiên xu hướng Trung Quốc tìm cách né tránh khía cạnh chính trị trong khu vực này bắt đầu giảm dần vào năm 2008, khi Bắc Kinh cử 3 tàu hải quân tới tham gia hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden (nằm giữa Yemen và Somalia).
Việc nghiêng về yếu tố an ninh này tiếp diễn trong cuộc Nội chiến Libya năm 2011, khi Trung Quốc đáp ứng các kỳ vọng trong nước họ về việc sử dụng quân đội để bảo vệ các Hoa kiều. Cụ thể, các đơn vị không quân và hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã sơ tán 35.000 công dân Trung Quốc ra khỏi Libya khi đó.
Cũng theo hướng này, Trung Quốc đã đóng góp 700 lính gìn giữ hòa bình cho lực lượng Liên Hợp Quốc ở Sudan vào cuối năm 2012. Họ cũng đóng góp vài trăm nhân viên quân y và công binh cho lực lượng lâm thời của Liên Hợp Quốc ở Lebanon.
Những động thái nêu trên khiến một số nhà quan sát đặt dấu hỏi về chủ trương của Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước đang phát triển khác. Tư tưởng không can thiệp này vốn là một trong 5 nguyên tắc của Cùng tồn tại Hòa bình mà Bắc Kinh đã tuyên bố tại Hội nghị Á-Phi của các nước không liên kết năm 1955.
Khi nhu cầu của Trung Quốc về năng lượng tăng lên, nước này ngày càng cần đến một khu vực an toàn.
Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Trung Đông trải qua bước phát triển lớn nhất vào năm 2013, với sự ra đời của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trung Đông có vai trò trung tâm trong sáng kiến này. Tại phiên họp toàn thể thứ 3 của Ban chấp hành trung ương khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2013, Trung Đông được xác định là khu vực “láng giềng” của Bắc Kinh. Nói cách khác, Trung Đông giờ đã rơi vào vùng địa chiến lược ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.
Trung Quốc xác định có 4 vòng tròn địa lý đồng tâm nhô ra từ “Vương quốc Trung tâm” này. Vòng tròn gần nhất là quan trọng nhất với Trung Quốc và vòng tròn này chứa đựng Trung Đông. Trung Đông đã trở thành trọng điểm của ngoại giao chủ động của Bắc Kinh, được thực hành thông qua khuôn khổ BRI. Với việc ưu tiên Trung Đông trong BRI, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên đoàn Arab và Iran cũng như là đối tác chính của Israel.
Vậy chính sách không can thiệp của Trung Quốc sẽ đi về đâu?
Thực tế, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi năm 2014 đã thừa nhận rằng “Vai trò chính trị của Trung Quốc ở Trung Đông sẽ chỉ có gia tăng và không có đường lùi”.
Ưu tiên của Trung Quốc tại Trung Đông hiện tập trung vào an ninh năng lượng và tăng cường vị thế cường quốc toàn cầu của mình bằng cách dùng sức mạnh kinh tế để cân bằng lại ảnh hưởng của Mỹ.
Thách thức của Trung Quốc hiện nay nằm ở chỗ phải đạt được các mục tiêu trên nhưng vẫn duy trì được vị thế của bên trung gian và không rơi vào thế đối đầu chính trị tại khu vực./.
Tác giả: Trung Hiếu
Nguồn tin: Báo VOV