Giá trúng thầu gấp 2 lần giá nhập khẩu
Trong nhiều vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đã được cơ quan chức năng phanh phui thời gian qua, nổi lên là chiêu trò nâng khống giá trị các thiết bị trong gói thầu bằng sự thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư, đơn vị xây dựng và thẩm định, phê duyệt giá dự toán và nhà thầu.
Trong vụ án CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm – khi còn làm Giám đốc đã cùng các đồng phạm thông đồng nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động dùng trong xét nghiệm Covid-19 lên 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Vụ công ty Việt Á, kit test COVID-19 được “thổi giá” bán cho CDC và các cơ sở y tế khác tại các tỉnh, thành phố và thu lợi về gần 4.000 tỷ đồng.
Tại Hà Tĩnh, sau đấu thầu công khai, minh bạch, “Máy chiếu đa năng tích hợp bảng tương tác HPEC HC-388EXI” tại gói thầu TB 10.2019 có giá nhập khẩu chỉ hơn 7,2 triệu đồng nhưng qua trung gian, khi đến tay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, bộ máy này có giá hơn 34,8 triệu đồng. Chênh lệch hơn 20,8 triệu đồng/bộ - kết luận thanh tra số 320/KL–UBND nêu rõ.
Trước thực trạng đó, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu công tác đấu thầu tại các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước - nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp các chủ đầu tư nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công.
Khi đi sâu tìm hiểu các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cụ thể tại trung tâm Hỗ trợ tư vấn tài chính, phóng viên nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất thường khi so sánh với giá nhập khẩu, cùng một thiết bị với kí mã hiệu và xuất xứ giống nhau nhưng giá chào thầu được phê duyệt cao vượt trội.
Dẫu biết rằng, nhà thầu khi bàn giao cho chủ đầu, các thiết bị còn phải chịu thêm một số chi phí liên quan như vận chuyển, kho bãi và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thế nhưng, số tiền chênh lệch cao hơn 4,3 tỷ đồng so với giá nhập khẩu vẫn để lại nhiều băn khoăn về vấn đề hiệu quả sử dụng ngân sách trong đấu thầu, việc xây dựng giá dự toán, thẩm định và phê duyệt giá dự toán đã thực sự đúng và đủ hay chưa.
Ông Phan Văn Ngôn đã ký Quyết định số 248/QĐ-TTTC. |
Cụ thể, gói thầu số 01: Mua sắm tập trung thiết bị y tế đợt 2 năm 2021 của trung tâm Hỗ trợ tư vấn tài chính Nghệ An do Giám đốc Phan Văn Ngôn ký duyệt với giá 16.522.500.000 đồng cho liên danh công ty TNHH AT&T và công ty Cổ phần Đất Việt Thành cũng có nhiều sản phẩm được nhà thầu chào giá cao hơn nhiều lần giá nhập khẩu khiến 10/30 mã hàng hóa chênh lệch tới hơn 4,3 tỷ đồng.
Đơn cử như Hệ thống sắc ký lỏng cao áp HPLC/PDA (Model: Chromaster; Hãng sản xuất: Hitachi, Nhật Bản) có giá trúng thầu là 1.696.500.000 đồng. Theo tìm hiểu của phóng viên, tùy vào thời điểm nhập khẩu trong năm 2 năm 2021-2022, giá sản phẩm này dao động từ 500 - 800 triệu đồng. Nếu tính cả 15% thuế VAT và thuế nhập khẩu thì giá gói thầu vẫn cao hơn gần 1 tỷ đồng.
Tương tự, hệ thống C-Arm và phụ kiện kèm theo (Máy X Quang C-Arm), nhãn hiệu Cios Fit, hãng sản xuất Siemens HealthCare Pvt. Ltd,. Ấn Độ, có giá tại gói thầu là 2.286.900.000 đồng, còn giá nhập khẩu chỉ trên 1,4 tỷ đồng.
Máy chụp cắt lớp võng mạc (OCT) kèm chụp đáy mắt màu 3D OCT-1 (Loại Maestro 2; Hãng sản xuất: Topcon – Nhật Bản), có giá tại gói thầu là 1.249.800.000 đồng, giá nhập khẩu hơn 774 triệu đồng.
Máy đo độ hòa tan 12 vị trí (Model: UDT-814-12; Hãng sản xuất: Logan – Mỹ) có giá nhập khẩu 433 triệu đồng nhưng Trung tâm đã phải chi phí gấp đôi để có được chiếc máy này, số tiền trúng thầu là 846.800.000 đồng.
Tổng số tiền chênh lệch của 10 sản phẩm lên tới hơn 4,3 tỷ đồng (sản phẩm nhập khẩu đã tính thuế). |
Để đóng góp những thông tin thiết thực về giá nhập khẩu thiết bị y tế, phóng viên đã liên hệ tới trung tâm Hỗ trợ tư vấn tài chính Nghệ An, tuy nhiên đơn vị này không có phản hồi.
Tỉ lệ tiết kiệm thấp, ngân sách ảnh hưởng thế nào?
Qua tìm hiểu ngẫu nhiên 10 gói thầu tại trung tâm Hỗ trợ tư vấn tài chính Nghệ An, tổng giá trị là hơn 95,7 tỷ đồng, tiết kiệm 181,7 triệu đồng - tương đương 0,19%.
Tuy có nhiều gói được tổ chức nhưng không tiết kiệm được là bao cho ngân sách, thậm trí là bằng 0. Ví dụ gói thầu 01 do công ty Tâm Trí Mạnh trúng thầu giá trị hơn 1,3 tỷ đồng, không tiết kiệm được đồng nào sau đấu thầu.
Hay như Gói thầu mua sắm đợt 4 năm 2020 giá 28,7 tỷ đồng và gói mua sắm đợt 1 năm 2020 giá 15,6 tỷ đồng do Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế trúng thầu, tiết kiệm cho ngân sách được 26 triệu đồng (tỉ lệ 0,09%) và 38,7 triệu đồng, tỉ lệ 0,25%;
Nghiên cứu ngẫu nhiên của phóng viên, nhiều gói thầu giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng sau quá trình đấu thầu chỉ tiết kiệm vài chục triệu đồng – tỉ lệ tiết kiệm ở mức tượng trưng. Các gói này đều do ông Phan Văn Ngôn - Giám đốc ký phê duyệt. |
Tương tự, Gói thầu hơn 10 tỷ đồng mua sắm thiết bị đợt 1 năm 2021 do liên danh Hồng Hà – Dũng Diệu trúng chỉ tiết kiệm vỏn vẹn 4,8 triệu đồng, đạt tỉ lệ 0,05%... Gói số 01 mua sắm đợt 3 năm 2020 giá 9,8 tỷ đồng, tiết kiệm 5 triệu đồng đạt tỉ lệ 0,05%...
Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu lớn lao của đấu thầu là tiết giảm tối đa cho ngân sách Nhà nước. Đối với các đơn vị là chủ đầu tư, bên cạnh việc lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn cao, cũng cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho đầu tư công.
Tiết kiệm nguồn vốn vừa tránh gây thất thoát, lãng phí ngân sách vừa để tránh phát sinh tiêu cực hoặc xảy ra hoạt động móc nối giữa nhà thầu và đơn vị mời thầu, qua đó gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình khi đưa vào sử dụng...
Tác giả: Dương Thu
Nguồn tin: ĐSPL/NĐT