Tin trong tỉnh

Trường vùng cao mong cơ chế xây dựng mô hình dân tộc bán trú THPT kiểu mới

Với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ, Trường THPT Kỳ Sơn (Nghệ An) đang xây dựng mô hình trường Phổ thông DTBT THPT kiểu mới.

Học sinh nhà xa được đưa vào ở ký túc xá theo mô hình dân tộc bán trú kiểu mới tại Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Mô hình này nhằm mục đích đưa học sinh dân tộc thiểu số nhà xa, thuộc diện bán trú vào ăn ở tại trường để thuận lợi trong học tập và được quản lý, tổ chức các hoạt động như nội trú.

Xoay xở trọ học xa nhà

Phòng trọ của Xồng Y Ồng (học sinh lớp 10C3, Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An) và 2 bạn rộng chưa đầy 10m2, cũ kỹ, lợp Fibro xi măng. Tường nhà quét vôi có nhiều mảng bong tróc, các em dùng giấy báo dán lại để sáng sủa, tươm tất hơn. Vật dụng đáng kể trong phòng có 1 giường, 1 chiếc bàn nhỏ đặt bếp gas đơn. Xung quanh treo đầy quần áo, chăn màn, riêng sách vở của 3 em được xếp gọn gàng vào 3 góc. Phòng có 3 người ở nhưng giường chật, nên 1 bạn trải chiếu ngủ dưới nền nhà.

Phòng trọ chật hẹp, Xồng Y Ồng (HS Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An) dùng giường làm bàn học để làm bài tập về nhà buổi tối. Ảnh: Hồ Lài.

Nhà của Xồng Y Ồng ở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, cách trường hơn 40km. Bước vào lớp 10, Ồng ở cùng với chị gái, đang học lớp 12 của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kỳ Sơn. Nhưng chị đã lấy chồng và gần đây sinh em bé nên chuyển ra ở phòng trọ khác. Hằng ngày, sau giờ học Ồng lại sang giúp chị bồng cháu. “Em cũng muốn vào ký túc xá của trường ở vì mới xây sạch đẹp, nhưng bây giờ phải giúp đỡ chị gái nên chọn trọ bên ngoài. Lúc nào chị học xong, em sẽ xin vào trường ở”, nữ sinh người Mông nói.

Dãy trọ của Xồng Y Ồng có hơn 20 phòng, chủ yếu là học sinh của Trường THPT Kỳ Sơn và Trung tâm GDNN-GDTX huyện thuê ở. Dù xây dựng sơ sài, tạm bợ nhưng với mức giá 500 nghìn đồng/tháng, nhiều em nhà ở các xã vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn vẫn chọn thuê trọ vì gần trường, nếu ở 3-4 người/phòng thì tiền trọ khá rẻ.

Học sinh Trường THPT Kỳ Sơn trọ học và tự nấu ăn trong phòng trọ gần trường. Ảnh: Hồ Lài.

Lầu Bá Xừ học lớp 11C9, Trường THPT Kỳ Sơn cũng ở trọ tại thị trấn Mường Xén cùng 2 bạn khác. Nhà ở “cổng trời Mường Lống”, cách trường hơn 50km nên mỗi tháng Xừ chỉ về nhà 1 lần để tiết kiệm tiền xe khách. Mỗi lần về, cậu học trò lại mang theo gạo, rau củ, thức ăn khô dữ trự. Dù được hỗ trợ tiền ăn, ở và gạo theo Nghị định 116, nhưng mỗi tháng Xừ phải xin thêm gia đình 500 - 600 nghìn đồng để trang trải sinh hoạt.

Năm học này, Trường THPT Kỳ Sơn được xây mới gồm cả khu nhà nội trú cho học sinh, nhưng Xừ không đăng ký vào ở. “Ký túc mới, sạch đẹp, không mất tiền nhưng không được tự nấu trong phòng, mà ăn ở căng tin. Em cũng sợ tiền điện, nước đắt hơn bên ngoài nên ngại đăng ký vào ở”, Lầu Bá Xừ cho hay.

Hầu hết các phòng trọ dành cho học sinh đang theo học tại Trường THPT Kỳ Sơn đều ở xung quanh khu vực trường, thị trấn Mường Xén và một số khác ở tại bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) cách thị trấn khoảng 3km - nơi xảy ra trận lũ quét lịch sử hồi tháng 10 năm 2022.

Phòng trọ chỉ khoảng 10m2 nhưng thường có 3-4 bạn cùng thuê để giảm chi phí. Ảnh: Hồ Lài.

Thầy Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn cho hay: Trên địa bàn huyện chỉ có duy nhất trường THPT, nên học sinh các xã đều tập trung về đây đi học. Qua thống kê của nhà trường, có khoảng 1.200 em trên tổng số hơn 1.600 học sinh phải ở trọ đi học do nhà xa. Nhiều em nhà cách trường 60-80km như Keng Đu, Mỹ Lý, Mường Lống, Đoọc Mạy…

“Học sinh trọ học đa phần thuộc diện khó khăn nên thường thuê phòng trọ giá rẻ với đặc điểm chung là tạm bợ, đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh hoặc tệ nạn xã hội. Đây là điều đáng lo ngại và khó khăn cho chúng tôi trong quản lý học sinh ngoài nhà trường. Trong khi đó, dù rất nhiều học sinh có nguyện vọng vào ở ký túc xá của trường nhưng việc sắp xếp, tổ chức lại gặp khó khăn”, thầy Tảo nói.

Đề xuất cơ chế cho mô hình trường bán trú kiểu mới

Năm học 2022-2023, với tài trợ của Tập đoàn Trung Nam, cơ sở vật chất Trường THPT Kỳ Sơn được xây dựng mới hoàn toàn, khang trang và hiện đại. Ngoài hệ thống phòng phục vụ nhiệm vụ dạy học toàn diện, nhà trường còn có khu nhà ở nội trú cho giáo viên và học sinh. Trong đó khu nội trú học sinh với 126 phòng ở có thể đáp ứng cho hơn 1.000 em.

Học sinh ở bán trú trong trường đến lớp tự học vào buổi tối. Ảnh: Hồ Lài.

Đây là tiền đề quan trọng để đưa học sinh nhà xa vào ở trong trường. Một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập tốt hơn, mặt khác giúp nhà trường quản lý học sinh, tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện, hiệu quả.

Tuy vậy, sau hơn một học kỳ, việc tổ chức bán trú cho các em vẫn gặp nhiều khó khăn vì vướng kinh phí hoạt động, chưa có cơ chế để tổ chức bán trú và thiếu nhân lực hỗ trợ. Bắt đầu từ giữa tháng 2, Trường THPT thí điểm đưa 300 HS diện bán trú vào trường ở với mô hình như nội trú. Cụ thể các em sẽ ăn ở, sinh hoạt, học tập trong trường từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Trước mắt, nhà trường ưu tiên học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhà xa trường. Giáo viên và nhân viên toàn trường tự nguyện thay nhau hỗ trợ chăm sóc, quản lý học sinh.

Hiện Trường THPT Kỳ Sơn mới ưu tiên đưa 300 học sinh diện bán trú, nhà xa, con em hộ nghèo vào ở bán trú. Các em đóng tiền điện nước, còn các chi phí khác nhà trường đang hỗ trợ và kêu gọi xã hội hóa. Ảnh: Hồ Lài.

Suốt 3 tuần nay, kể từ khi vào ở trong trường, tối nào Lữ Thị Thùy Linh (lớp 11C1) cũng mang theo sách vở, cùng với các bạn tự học tại lớp. Để tạo điều kiện về chỗ ngồi, ánh sáng cho học sinh, nhà trường mở cửa phòng học từ 19h – 21h30 phút để các em đến học bài.

Thùy Linh chia sẻ: “Em đang ôn tập chuẩn bị thi học sinh giỏi trường môn Lịch sử. Vào ở bán trú trong trường, em thấy thuận tiện hơn rất nhiều trong học tập. Phòng ở cũng sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi. Trước đây, khi còn là học sinh THCS, em đã ở bán trú nên quen với cuộc sống tập thể. Năm ngoái học lớp 10, phải tự thuê trọ bên ngoài vất vả hơn. Năm nay, khi trường cho đăng ký vào ở bán trú, bố mẹ em rất mừng và mong muốn em được vào ký túc xá”.

Lãnh đạo nhà trường thường xuyên đến thăm học sinh ở bán trú, nhắc nhở các em giữ vệ sinh chung và tuân thủ nội quy ký túc xá để đảm bảo an toàn, sử dụng lâu dài cơ sở vật chất. Ảnh: Hồ Lài.

Trước mắt, nhà trường chưa thu bất cứ khoản đóng góp nào của học sinh mà sử dụng từ nguồn hỗ trợ theo Nghị định 116. Riêng tiền điện, nước chung và tiền thuê nấu ăn, nhà trường đã họp phụ huynh và thống nhất tạm thu mỗi tháng 20 ngàn đồng/em. Bên cạnh đó, mỗi phòng ký túc có đồng hồ riêng và các em sử dụng bao nhiêu điện thì chia đầu người để trả.

Trước đó, theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Nghệ An, dự kiến xây dựng mô hình trường DTBT THPT kiểu mới đối với Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong) và THPT Kỳ Sơn. Nhưng Trường THPT Kỳ Sơn thực hiện sẽ thuận lợi hơn vì đã được trang bị khu ký túc xá khang trang, hiện đại, đầy đủ đồ dùng cơ bản như giường tầng, chăn màn, đệm…

Trường THPT Kỳ Sơn tạo điều kiện mở cửa lớp để đến ôn bài vào buổi đêm vì đủ điều kiện bàn ghế, ánh sáng hơn phòng trọ hay ký túc xá. Ảnh: Hồ Lài.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng chia sẻ nhiều khó khăn, bất cập khi triển khai mô hình. Theo đó, nói là trường DTBT THPT “kiểu mới” vì nếu đúng bản chất bán trú, học sinh chỉ ở lại ăn uống, nghỉ trưa. Còn học sinh bán trú của trường thì lại ăn ở, sinh hoạt như nội trú từ thứ 2 đến thứ 6.

Vì thế, nếu chỉ nhìn vào chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ, học sinh là người dân tộc thiểu số mỗi tháng được hỗ trợ hơn 500 ngàn đồng tiền ăn và 15 kg gạo thì không đủ để tổ chức nấu ăn cả 3 bữa sáng, trưa, tối cho học sinh mỗi ngày. Chưa kể tiền điện, nước, hợp đồng nhân viên nấu ăn và tiền trực quản lý học sinh bán trú. Trong khi 55% học sinh của trường là con em hộ nghèo, việc vận động xã hội hóa để tổ chức bán trú là khó khả thi nếu chưa có cơ chế tài chính của UBND tỉnh.

Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo Trường THPT Kỳ Sơn xây dựng đề án về mô hình trường bán trú kiểu mới để trình các ban, ngành liên quan. Trong thời gian này, nhà trường tùy vào điều kiện thực tế mà đưa từng phần học sinh vào ở trong trường, thay vì tổ chức đồng loạt cho hơn 1.000 em.

Thầy Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn sớm có cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện mô hình Trường Phổ thông DTBT THPT kiểu mới với quy mô đầy đủ, đồng bộ. Qua đó giảm bớt khó khăn cho học sinh, phụ huynh và giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục hiệu quả. Quản lý học sinh tốt hơn và hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng”.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP