Trong nước

Tư duy của một nguyên thủ - Cuộc điện đàm mang tầm chiến lược

Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump diễn ra vào tối 4/4/2025 không chỉ là sự kiện thời sự đáng chú ý, mà còn là một trường hợp điển hình cho thấy vai trò trung tâm của người đứng đầu Đảng trong việc xử lý những thách thức kinh tế cấp bách và định hình lại mối quan hệ đối ngoại mang tính chiến lược cho đất nước.

Khi Hoa Kỳ bất ngờ tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam - một mức thuế kỷ lục, đe dọa trực tiếp đến dòng chảy xuất khẩu trị giá gần 120 tỷ USD mỗi năm, đến sinh kế của hàng triệu lao động, thì phản ứng của lãnh đạo cấp cao không chỉ đòi hỏi sự nhanh nhạy, mà cần đến tư duy tổng thể về kinh tế chính trị và khả năng xử lý khủng hoảng ở cấp quốc gia.

Chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ động điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, lựa chọn hình thức cao nhất trong ngoại giao để đối thoại trực tiếp, minh bạch và dứt khoát.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tối 4/4. Ảnh: TTXVN

Nội dung của cuộc điện đàm cho thấy rõ bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo quốc gia thực thụ. Khi đề xuất giảm về 0% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, Tổng Bí thư không chỉ thể hiện thiện chí hợp tác mà còn khéo léo đặt vấn đề công bằng thương mại trên nguyên tắc “có đi có lại”, đồng thời bảo vệ các ngành sản xuất và lực lượng lao động trong nước trước nguy cơ bất ổn.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là cách Tổng Bí thư đã chuyển hoá một cuộc điện đàm ứng phó tình huống thành một cánh cửa mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Lời mời chính thức Tổng thống Trump sang thăm Việt Nam không chỉ là một động thái ngoại giao chuẩn mực, mà còn là lời khẳng định Việt Nam sẵn sàng đồng hành với các cường quốc trên cơ sở tôn trọng, thực chất và vì lợi ích lâu dài. Đây không chỉ là xử lý tình huống, mà là đặt nền móng cho một chu kỳ hợp tác mới trong các lĩnh vực: đầu tư công nghệ cao, năng lượng sạch, giáo dục, chuyển đổi số và thương mại công bằng.

Cuộc điện đàm vì thế không chỉ dừng lại ở chuyện thuế suất. Đó là một bước chuyển mang tính kiến tạo, nơi một nhà lãnh đạo không chỉ lo cho dòng hàng hóa ngắn hạn, mà đang nhìn xa tới vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tính cạnh tranh dài hạn của nền kinh tế, và quyền lực mềm của Việt Nam trong bàn cờ quốc tế.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, sự ổn định chính trị là điều kiện cần, nhưng khả năng đối thoại, chủ động dẫn dắt và tạo ra các cơ hội mới mới là điều kiện đủ để một quốc gia vươn mình. Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện rõ một tư duy lãnh đạo hiện đại: lấy ổn định làm nền tảng, lấy đối thoại làm phương thức và lấy nhân dân làm trung tâm của mọi quyết sách.

Ở một tầm cao hơn, hành động của Tổng Bí thư cho thấy sự sẵn sàng đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của bản lĩnh, hội nhập và phát triển. Đó không chỉ là đối thoại giữa hai nguyên thủ, mà là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trong một thế giới đang định hình lại trật tự. Khi người đứng đầu Đảng thể hiện rõ năng lực điều hành vĩ mô, hiểu sâu sắc quy luật thị trường, đồng thời có khả năng dẫn dắt và tạo dựng đối tác chiến lược mới, thì niềm tin vào một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng không còn là khát vọng xa xôi, mà đang trở thành hiện thực từng ngày.

Giới học giả nước ngoài đánh giá tích cực kết quả cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đã có bài viết ngày 5/4 đăng tải những bình luận của giới học giả nước ngoài về cuộc điện đàm quan trọng giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Trump vào tối ngày 4/4 theo giờ Việt Nam.

Theo các nhà quan sát, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ được nhận định là sẽ giúp "hạ nhiệt" căng thẳng và cho phép các cuộc đàm phán tiếp theo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bị Mỹ tuyên bố áp đặt mức thuế quan đối xứng khá cao tới 46% với hàng xuất khẩu.

Trưa 4/4/2025 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông vừa “có một cuộc điện đàm rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Ảnh chụp màn hình

Cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước được đánh giá một dấu hiệu rõ ràng cho thấy thuế quan là vấn đề có thể thương lượng được với chính quyền Mỹ hiện nay.

Đề cập đến cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm gần như ngay lập tức sau đó, Tổng thống Trump cho biết đó là một cuộc trao đổi "rất hiệu quả", cả hai bên đã nhất trí thảo luận về một thỏa thuận nhằm xóa bỏ mức thuế 46%với Việt Nam.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của mình, Tổng thống Trump cho biết Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói với ông rằng "Việt Nam muốn cắt giảm thuế quan xuống mức 0 nếu họ có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ". Bên cạnh đó, ông Trump cũng không quên gửi lời cảm ơn khi đã nói: “Tôi thay mặt đất nước cảm ơn ông ấy và mong muốn sớm có cuộc gặp trong tương lai gần”.

Nhận định về cuộc điện đàm nêu trên, ông Zachary Abuza, Giáo sư tại Học viện Chiến tranh Quốc gia ở Washington DC (Mỹ) chuyên về các vấn đề chính trị và an ninh Đông Nam Á, cho biết phía Việt Nam hiểu rõ rằng thuế quan là "một chiến thuật đàm phán" của chính quyền Mỹ hiện nay.

Ông Zachary Abuza nêu rõ: "Người Việt Nam thực sự hiểu về chính trị giao dịch". Đồng thời, vị Giáo sư này cũng nói thêm rằng giới lãnh đạo Việt Nam có mọi lý do để “chủ động tiếp cận" với chính quyền của Tổng thống Trump vì quá trình hiện đại hóa kinh tế của Việt Nam dựa trên việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales ở Australia, chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á, cho biết trước cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu mức thuế quan có thể thương lượng được hay không.

Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ nêu trên đã giúp thế giới hiểu rõ thêm về thuế quan của Tổng thống Trump.

“Bây giờ chúng ta biết rằng thuế quan của (Tổng thống Mỹ) Trump có thể thương lượng được. Điều này sẽ có tác động tích cực lớn đến thị trường”, ông Thayer cho biết.

Ông Thayer cũng nhấn mạnh diễn biến này là “cực kỳ quan trọng” vì Việt Nam đang có mức thặng dư thương mại với Mỹ lớn xếp ngay sau Trung Quốc và Mexico. “Giờ đây áp lực sẽ đè lên các quốc gia khác, buộc họ phải làm theo”, ông nói thêm.

Đánh giá về mức thuế quan đối xứng mà Mỹ tuyên bố áp đặt lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Giáo sư Thayer cho biết, mức thuế 46% cũng đồng nghĩa với việc các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia sẽ có được phần nào lợi thế hơn trong các ngành dệt may, giày dép và hàng điện tử.

Tờ SCMP cũng đề cập đến việc Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 3/4 đã khẳng định mức thuế quan 46% mà Mỹ tuyên bố áp đặt là “không phù hợp với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”. Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh chính đã yêu cầu thành lập Tổ phản ứng nhanh để giải quyết ngay lập tức tình hình liên quan.

Tờ báo này cũng trích dẫn phát biểu của nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng khi cho biết “Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn đầy thách thức này với tư duy của một quốc gia và một nền kinh tế ngày càng trưởng thành, kiên cường và có trách nhiệm”. Bình Thanh

Tác giả: Nguyễn Sơn

Nguồn tin: cand.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP