Tin trong tỉnh

"Tử thần" treo trên đầu, nhiều hộ dân lo sợ, "sống trong sợ hãi"

Vào mùa mưa sắp đến, những người dân sống sát dưới chân 2 ngọn núi Rú Lài và Rú Rậm đang đối diện với nguy cơ sạt lở đất.

Nguy cơ sạt lở núi

Tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có 2 ngọn núi nằm dựa lưng vào nhau được người dân gọi là Rú Lài và Rú Rậm, với có diện tích khoảng 5ha nằm trên địa phận của ba xóm 3, 4, 5.

Dưới chân 2 ngọn núi là hơn 500 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu; trong đó có khoảng 70 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sống sát dưới chân núi. Hàng năm, mỗi khi mùa mưa đến, một lượng lớn đất đá trên 2 ngọn núi này lại sạt lở tràn xuống khu vực nhà dân.

Những hòn đá lăn phía sau nhà ông Tính.

Chỉ tay vào những tảng đá đủ kích cỡ phía sau nhà, ông Lê Đình Tính (58 tuổi), trú xóm 5, xã Hưng Yên Nam, cho hay đây là số đá lăn từ trên Rú Rậm xuống, được gia đình thu gom lại sau mỗi mùa mưa bão.

“Những năm qua đất đá trên núi liên tục sạt lở xuống phía dưới, đặc biệt là sau những trận mưa lớn kéo dài. Những đêm mưa lớn nằm trong nhà có dám ngủ đâu, sợ đá lăn vào nhà không kịp chạy”, ông Tính nói.

Cách đó không xa, căn nhà mới xây khang trang của anh Nguyễn Văn Tài (trú xóm 5) nằm ngay dưới chân núi Rú Rậm. Khá lo lắng khi mùa mưa bão đến, anh Tài cho biết, những đợt mưa vừa qua khiến một số mảng đất đá từ trên núi có dấu hiệu sạt xuống và gia đình anh sẽ phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất.

Bên kia núi, gia đình ông Nguyễn Trọng Thấm (xóm 4, xã Hưng Yên Nam) cũng phải sống trong bất an vì ngôi nhà nằm sát dưới chân ngọn Rú Lài. Các năm trước, sau những trận mưa lớn kéo dài, đất đá lại sạt xuống sau căn nhà cấp 4, đe dọa đến tính mạng của các thành viên trong gia đình.

“Tình trạng sạt lở tại Rú Lài diễn ra từ năm 2020. Khi mưa lớn, đất đá trên núi liên tục sạt lở xuống phía dưới, uy hiếp các nhà dân. Trong vườn nhà tôi vẫn còn nhiều tảng đá lớn từ trên núi lăn xuống do các vụ sạt lở. Rất may, chưa có thiệt hại về người, tuy nhiên người dân luôn lo lắng, bất an”, ông Nguyễn Trọng Thấm chia sẻ.

Chính quyền xây bờ kè cao hơn 2m phía chân núi nhưng hiện nay đã có dấu hiệu bị xuống cấp, đứt gãy nhiều nơi.

Nguyện vọng của ông và nhiều hộ dân khác sống dưới chân 2 ngọn núi này là chính quyền các cấp triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa lũ.

Theo ghi nhận, phía trên 2 ngọn núi này, dấu vết các đợt sạt trượt đất đá vẫn đang khá mới sau trận mưa. Đất đá sạt xuống khiến nhiều cây cối bị trơ rễ. Nhiều vị trí đang có nguy cơ sạt lở. Tại các điểm từng bị sạt lở và đang có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, chính quyền xã đã cho cắm các biển cảnh báo sạt lở để người dân đề phòng.

Dự án chống sạt lở 2 năm vẫn chưa thể triển khai?

Ông Phan Anh Nam, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho biết, hiện tượng sạt lở núi liên tục xảy ra trong những năm qua. Theo khảo sát của xã, có khoảng 30 hộ nằm ở khu vực có nguy cơ cao, thường xuyên bị ảnh hưởng từ các đợt sạt lở đất đá từ trên núi.

“Cách đây ít năm, cơ quan chức năng đã cho xây dãy bờ kè đá cao hơn 2m chạy quanh dưới chân núi để ngăn ngừa, hạn chế sạt lở. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều điểm đã có dấu hiệu bị đứt, đất đá sạt lở tràn xuống khiến kè đá bị đẩy xiêu vẹo”, ông Nam nói.

Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho biết thêm, mỗi lần mưa lớn kéo dài, chính quyền phải thường xuyên cắt cử cán bộ, dân quân tự vệ túc trực, theo dõi sát diễn biến sạt lở; chủ động lên phương án vận động người dân sống dưới chân hai ngọn núi không ở lại trong nhà, di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn.

Nguy cơ sạt lở nếu mưa lớn sẽ ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân phía dưới.

Liên quan tới vấn đề này, ông Hoàng Anh Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết, phương án chống sạt lở tại khu vực núi Rú Lài và Rú Rậm đã được phê duyệt.

Trước đó, năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, huyện Hưng Nguyên đã thống nhất phương án, lên kế hoạch cắt đỉnh đồi để hạ tải tránh sạt lở; sau đó, đào bạt mái, cứ 5m giật một cơ rộng 3m, có xẻ rãnh để đảm bảo thoát nước; cuối cùng là trồng cây tạo gắn kết đất và cảnh quan.

Kinh phí triển khai dự án khoảng trên 25 tỷ đồng, lấy từ nguồn tận thu đất, đá trong quá trình thi công và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên môi trường theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Dự án do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Hưng Nguyên quản lý. Tuy nhiên, do người dân chưa đồng tình với phương án chống sạt lở nên chưa thể triển khai.

“Trước mùa mưa bão 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Hưng Nguyên đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để sớm triển khai thi công dự án; đảm bảo ổn định đời sống của người dân, tránh tình trạng cứ mỗi mùa mưa bão lại phải di dân ra khỏi vùng nguy hiểm”, đại diện UBND huyện Hưng Nguyên thông tin.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: sạt núi , tử thần , hộ dân , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP