Những ngôi nhà tranh chênh vênh sườn đồi của người dân nhóm Xốp Xuân quay về lòng hồ sinh sống. Mất hơn 1 tiếng đồng hồ lội bùn mới vào bản Kim Hồng (cũ) – nơi người dân tái định cư ngược về lòng hồ (ảnh nhỏ). Ảnh: Vũ Đồng |
Thiếu đất sản xuất?
Chúng tôi ngược sông Nậm Nơn bằng thuyền máy hơn 1 tiếng đồng hồ để tới bản Kim Hồng, xã Kim Tiến (cũ), huyện Tương Dương, Nghệ An. Đây là cụm bản đang có nhiều hộ dân di cư ngược về lòng hồ thủy điện sinh sống.
Cố lách thuyền máy qua những điểm cạn nước, người lái thuyền nói: “Đây là điểm để các anh đi vào bản. Từ đây, các anh mất khoảng 1 giờ đồng hồ lội bùn tới đầu gối men theo những dòng nước nhỏ thì tới nơi”. Vừa dứt lời, người lái đò thở dài: “Đường khó đi, cuộc sống trong bản muôn vàn khó khăn khi không điện, đường, trường, trạm. Thế mà nhiều hộ dân cứ quay về bám trụ trong đó. Những lúc ốm đau, bệnh tật không biết họ xoay trở thế nào?”.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đi hơn 1 giờ đồng hồ thì thấy thấp thoáng 6 mái nhà tranh vách nứa ở lưng chừng đồi. Một người dân sinh sống ở đây cho biết, mùa này cạn nước nên nhà ở lưng chừng đồi. Đến cuối tháng 8 khi nước cao thì nhà ở mép sông nên việc đi lại dễ dàng hơn.
Ông Chương Xuân Tần (61 tuổi, dân tộc Thái) nói: “Khi nào nước lên thì gia đình tôi sẽ đi xuống khu tái định cư (TĐC). Còn những hộ khác trong bản tôi không thể biết được. Hiện bản còn 2 nhóm. Đây là nhóm Xốp Xuân có 6 hộ, 20 khẩu. Vào sâu hơn một chút là nhóm Xốp Tàng 17 hộ, 68 khẩu. Tôi với vợ từ khu TĐC quay về đây cũng đã gần 6 năm”.
Ông Tần nguyên là Trưởng bản Kim Hồng cũ. Năm 2009, gia đình ông được tái định cư ở xã mới Ngọc Lâm của huyện Thanh Chương. Lúc này, ông Tần làm Trưởng bản Kim Hồng mới. Năm 2013, ông cùng vợ quay về bản cũ trong lòng hồ nhưng con cái vẫn bám trụ ở khu TĐC xã Ngọc Lâm.
Theo ông Tần, khu TĐC xã Ngọc Lâm thì mọi quyền lợi của dân bản đều có. Giờ quay về đây thì mọi người không được hưởng một quyền lợi gì vì là dân ngụ cư. May mà những đứa nhỏ còn được chính quyền ưu tiên hỗ trợ cho đi học nhưng đường sá cũng cách trở lắm.
Nói thêm về việc bị chiếm đất sản xuất, ông Tần trầm ngâm: “Do dân bản Kim Hồng về xã mới chậm nên bị các hộ dân đến trước chiếm hết đất để trồng keo. Khi chúng tôi phản ánh thì những hộ dân này hứa thu hoạch xong lứa keo sẽ trả. Nhưng cây keo để thu hoạch được cũng ít nhất 3 năm. Trong 3 năm đó chúng tôi biết làm gì để sống? Chưa kể những hộ để cho keo thật to thì không biết đến khi nào chúng tôi mới có đất để sản xuất. Oái ăm hơn, khi họ thu hoạch xong lứa keo này, họ lại trồng mới lứa keo khác thì mãi chúng tôi cũng không có đất. Đến tôi là trưởng bản mà đất cũng chưa được trao tận tay thì các hộ khác không biết thế nào. Cứ đi làm thuê bám trụ ở nơi mới chúng tôi không thể chịu được”.
Sớm có những giải pháp để người dân ổn định nơi ở mới
Được biết, những người dân sinh sống tại khu vực lòng hồ muốn con được đi học phải cõng con nhỏ đi gần 1 tiếng đồng hồ lội bùn mới ra được thuyền. Tiếp đó, đi thuyền máy thêm 30 phút mới đến bến ở xã Hữu Khuông. Từ bến đi bộ thêm 20 phút đường rừng nữa mới đến lớp học. “Thương con nên ngày nào cũng đưa con đi học kiểu này. Vất vả quá nên chúng tôi bàn với các hộ khác xin nhà trường và chính quyền xã cho dựng lều tạm gần trường để các con theo học. Đầu tuần đưa con đi học, cuối tuần đón con về bản”, một người hàng xóm ông Tần kể.
Ông Lô Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho biết: “Việc dựng lều tạm cho các em theo học chúng tôi ủng hộ ngay. Dù không có hộ khẩu ở đây nên học sinh không được hưởng các chế độ ưu tiên dành cho miền núi và không có cả thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng chúng tôi vẫn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em theo học”.
Trong khi đó, ông Lô Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cũng thừa nhận về việc chia đất cho dân TĐC chưa kịp thời cũng như việc chiếm đất sản xuất. “Việc bị chiếm đất này không chỉ xảy ra ở riêng bản Kim Hồng mà ở hầu hết các bản khác. Chúng tôi đang ráo riết giải quyết vấn đề này. Cứ xong trường hợp nào là giải quyết cuốn chiếu luôn. Quỹ đất đó được rào lại để cho dân quay về là có đất sản xuất. Hiện xã đã có hơn 100 hecta đất dành cho người dân quay về sinh sống”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Phùng Hùng - Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương nêu vấn đề: “Người dân ở lòng hồ dựa vào phần diện tích đất lâm nghiệp trên cốt ngập đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà phần diện tích này chưa được chính quyền thu hồi nên vẫn quay trở lại sinh sống. Vì vậy, chúng tôi cố gắng thực hiện việc lập hồ sơ thu hồi diện tích đất này để có cơ sở bù trừ chênh lệch nơi đi và nơi đến cho người dân. Ngoài ra, công trình phục vụ di dân TĐC được đầu tư không đồng bộ, chất lượng kém, hiệu quả sử dụng không cao. Công tác giải phóng mặt bằng kéo dài (từ năm 2004) nên nhiều chính sách thay đổi, dẫn đến việc áp dụng không đồng nhất, gây bức xúc cho người dân”.
Với thực trạng người dân tái định cư ngược về lòng hồ, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo huyện Thanh Chương cam kết bố trí đủ đất, hỗ trợ người dân trong phát triển sản xuất khi họ quay về. Chính quyền và các đoàn thể địa phương, Bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn giúp đỡ ngày công san nền, dựng nhà, vận chuyển đồ đạc và hỗ trợ các vật chất cần thiết để giúp dân bản ổn định đời sống càng sớm càng tốt. Riêng mong muốn của một số dân bản xin tỉnh hỗ trợ phương tiện để chuyên chở các nếp nhà đã dựng tạm về xã tái định cư cũng được UBND tỉnh nhất trí, bàn bạc với Chi cục Kiểm lâm để hỗ trợ dân bản.
Tác giả: Vũ Đồng
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội