Trong nước

Tùy tiện xài tiền nhà nước hỗ trợ người nghèo

Thay vì chi tiền nhà nước hỗ trợ đồng bào các dân tộc vùng nghèo khó, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã sử dụng hàng trăm triệu đồng sai mục đích

Theo kết luận thanh tra của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ hỗ trợ dân các huyện nghèo nhất nước, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã để xảy ra sai phạm với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.

Trong đó, nổi lên việc hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người nghèo theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, sai phạm trong việc cấp phát tiền cho dân xảy ra ở hầu hết các xã. Khi huyện cấp tiền về cho các xã (năm 2015 và 2016), nhiều trưởng bản, thậm chí cán bộ xã, nhận tiền nhưng không chi cho dân mà chi sai mục đích. Có bản thay vì đưa tiền thì lại cấp... phân bón. Đơn cử, xã Mường Mìn được cấp gần 86 triệu đồng đã chuyển qua cấp phân bón NPK nhưng không ghi chép việc mua bán phân và không có danh sách ký nhận phân năm 2015; năm 2016 cấp 8,2 tấn phân (tương đương 51,6 triệu đồng). Xã Tam Thanh năm 2016 nhận 97 triệu đồng và đã chuyển qua cấp hơn 15 tấn phân NPK không có biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng. Tại xã Sơn Thủy, khi nhận được tiền, thủ quỹ đã ăn chặn gần 70 triệu đồng rồi lập hồ sơ khống có người ký nhận.

Một góc bản làng của xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa Ảnh: Tuấn Minh

Huyện Quan Sơn khi thực hiện Quyết định 775 về hỗ trợ nông cụ sản xuất cho người dân tộc thiểu số vùng khó khăn cũng để xảy ra nhiều sai phạm, như cấp không đúng đối tượng, cấp chồng chéo (có người năm nay được nhận tiền mua nông cụ, năm sau được nhận tiếp). Ngoài ra, qua kiểm tra 11 công trình phục vụ dân sinh tại huyện này, cơ quan chức năng cũng phát hiện các sai phạm. Nhiều công trình không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí. Tất cả các công trình đều không đúng thiết kế và có hiện tượng khai khống khối lượng nghiệm thu.

Những người được thụ hưởng chính sách tại huyện Quan Sơn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Khi được hỏi việc cấp tiền như thế nào, nhiều người không nhớ, thậm chí nói cán bộ xuống đưa tiền bảo ký nhận mới biết được hưởng, còn không thì chịu.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Trung Hạ, do tưởng hộ cận nghèo cũng được hưởng nên xã cấp nhầm tiền hỗ trợ mua nông cụ, máy móc cho 18 hộ với số tiền 90 triệu đồng. "Dân toàn đồng bào dân tộc nghèo khổ, cấp thì dễ nhưng giờ thu về rất khó. Chúng tôi cũng đã yêu cầu người dân được hưởng sai đối tượng trả lại tiền nhưng chưa thu được bao nhiêu. Chúng tôi đã họp rút kinh nghiệm sâu sắc rồi" - ông Sinh nói.

Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, thừa nhận những sai sót nêu trên và cho biết công tác giám sát của huyện, xã còn chưa sát sao. "Trong số tiền sai phạm hơn 1,3 tỉ đồng thì có 200 triệu đồng thanh tra yêu cầu thu về ngân sách, hiện đã thu được gần một nửa. Hơn 1,1 tỉ đồng còn lại huyện đang khắc phục, trong đó có 339 triệu đồng chi trả tiền mặt cho dân, chúng tôi đang yêu cầu các địa phương thu về, cấp đúng đối tượng" - ông Đạt cho biết.

Theo ông Vũ Văn Đạt, hiện huyện chưa xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể do khắc phục hậu quả chưa xong. Khi nào xong sẽ tùy vào mức độ sai phạm của các cá nhân, tập thể để đưa ra hình thức xử lý theo quy định.

Tác giả: Tuấn Minh - Phong Sơn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP