Mới đây tại buổi tiếp xúc cử tri phường Đống Đa, Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hành vi kinh doanh, buôn bán thuốc giả, sữa giả là vô cùng độc ác và yêu cầu phải tuyên chiến với loại tội phạm này, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Lời phát biểu của Tổng Bí thư đã chỉ ra thực trạng đáng lo ngại, khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng quan tâm đến sức khỏe thì chúng ta lại đang đứng trước nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng từ việc lựa chọn, mua phải hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực dinh dưỡng, thực phẩm chức năng.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tuyên chiến với thuốc giả, thực phẩm giả nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân. |
Trong vài năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng bồi bổ sức khỏe bùng nổ như nấm mọc sau mưa, với tốc độ tăng trưởng lên đến 15%/năm, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp của người dân.
Thế nhưng đằng sau sự sôi động đó là lỗ hổng trong công tác quản lý, giả chất lượng, công dụng sản phẩm. Việc thổi phồng công dụng, quảng cáo quá lời khi so sánh như thuốc chữa bệnh, khiến không ít người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, để rồi ngậm đắng nuốt cay.
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp các cơ quan chức năng phát hiện, triệt phá nhiều vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm dinh dưỡng giả. Gần đây, công an tỉnh Hưng Yên phát hiện triệt phá vụ việc biến dầu ăn chăn nuôi thành thực phẩm cho người, xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Nhật Minh Food.
Tháng 4, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng trong đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood. Đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận
Nguy hiểm hơn, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, nhiều đối tượng pha trộn chất cấm vào sản phẩm để đạt công năng theo như lời quảng cáo.
Giữa tháng 6 vừa qua, một nữ sinh 16 tuổi ở Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, ăn ngủ kém, sau một thời gian sử dụng thuốc giảm cân mua ở trên mạng. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả chẩn đoán bệnh nhân bị suy gan nặng. Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy chỉ số men gan tăng cao, rối loạn chức năng gan nghiêm trọng. Các bác sĩ nghi ngờ thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc chứa chất cấm, dùng lâu dài ảnh hưởng đến các tạng của cơ thể, gây ngộ độc ảnh hưởng đến tính mạng.
Hay mới đây hoa hậu Thủy Tiên và dàn KOL đình đám Hằng du mục, Quang Linh Vlogs khi truyền thông kẹo rau củ Kera đã tung hô "mỗi viên kẹo tương đương một đĩa rau xanh". Thế nhưng sự thật lại không phải như vậy. Kẹo rau của Kera không có hàm lượng chất xơ, tác dụng nhuận tràng đến từ chất Sorbitol có khả năng kích thích ruột. Vậy là, cơ thể thay vì được bổ sung chất xơ là rau củ thì lại hấp thu loại hóa chất khác xa với những lời quảng cáo.
Không khó để bắt gặp các sản phẩm thực phẩm chức năng trên các sàn thương mại điện tử và trang cá nhân. Mẫu mã bắt mắt, giá rẻ hơn hàng chính hãng từ 30% đến 50%, nhưng lại không có hóa đơn, không tem truy xuất, không giấy kiểm định.
Hay như tình trạng rau muống ngậm hóa chất, tôm ngậm hóa chất, thịt nạc tăng trưởng siêu tốc... những thứ tưởng như chỉ có trong cảnh báo nay đã xuất hiện ngay trên mâm cơm hằng ngày của nhiều gia đình. Không ít trường hợp bị ngộ độc bởi loại thực phẩm bẩn này.
![]() |
Tháng 4, lực lượng chức năng triệt phá đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood. Đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận |
Đáng sợ hơn nữa, không chỉ thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng bị giả, nhái về chất lượng, công dụng mà thuốc chữa bệnh cũng bị làm giả.
Cách đây vài năm, ngành y từng rúng động khi cơ quan chức năng phát hiện VN Pharma cung cấp thuốc điều trị ung thư giả nhãn nước ngoài. Loại thuốc này không có hoạt chất điều trị nhưng vẫn được phân phối đến các bệnh viện lớn, bán cho ngàn nghìn bệnh nhân.
Những người đang trong cuộc chiến sinh tử tin rằng mình đang được điều trị đúng phác đồ, trong khi thực chất là thuốc giả là một nghịch lý đau đớn, phơi bày những lỗ hổng trong việc giám sát chất lượng thuốc. Đó không chỉ là trò lừa kinh doanh, bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, mà là tội ác.
Nạn nhân của thuốc giả, thực phẩm bẩn có đặc điểm chung là không tư vấn bác sĩ, chuyên gia mà tin vào những lời quảng cáo đường mật trên không gian mạng. Khi hàng giả, sản phẩm bẩn được một hoa hậu, các KloL truyền thông, với câu nói thân thiện đã chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng.
Đằng sau những lời lẽ quảng cáo thân thiện và sự ngọt ngào của sản phẩm là những mánh khóe làm thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, để tối đa hóa lợi nhuận, đánh lừa những người muốn sống khỏe hơn.
Ở một góc nhìn khác, rõ ràng thị trường thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng đang bị vấy bẩn bởi những hành vi của những kẻ bất chấp lợi nhuận, coi thường sức khỏe, tính mạng của đồng loại.
Sở dĩ tình trạng này kéo dài là bởi trước đây khi chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ, việc quảng cáo trên mạng gần như buông lỏng. Trong khi quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên báo chí phải tuân thủ nội dung đã được thẩm định thì trên mạng xã hội, nhiều cá nhân thổi phồng công dụng, lừa người tiêu dùng.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, thực phẩm bẩn, sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả thường không có hoạt chất, hoặc chứa các thành phần độc hại chưa được kiểm chứng. Dùng lâu dài có thể gây tổn thương gan, thận, rối loạn chuyển hóa, hoặc khiến người bệnh trì hoãn điều trị cần thiết. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ chính việc sử dụng thực phẩm bẩn là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật ở con người.
Bởi vậy, việc Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hành vi kinh doanh, buôn bán thuốc giả, sữa giả là vô cùng độc ác và yêu cầu phải tuyên chiến với loại tội phạm này, bảo vệ sức khỏe của nhân dân đã và đang nhận được sự hưởng ứng, đồng tình mạnh mẽ từ đông đảo người dân.
Tác giả: Quang Tuấn
Nguồn tin: vov.vn