UNIAN thông tin, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin đã tuyên bố sẽ không chấp nhận đơn đăng ký của các quan sát viên Nga tại cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine, dự kiến vào ngày 31/3/2019 tới.
Bầu cử tại Ukraine năm 2014. |
Trên trang Facebook cá nhân, Ngoại trưởng Ukraine cho biết: "Vài ngày trước, theo đúng thủ tục, tôi đã gửi thư cho Giám đốc Văn phòng các cơ quan dân chủ và quyền con người (ODIHR) thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - ông Ingibjorg Solrun Gisladottir để yêu cầu triển khai nhiệm vụ giám sát cho cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine.
Tôi đã đề cập rằng, Bộ Ngoại giao Ukraine sẽ không chấp nhận đơn đăng ký từ các nhà quan sát Nga" - Ngoại trưởng Klimkin viết trên Facebook.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu Ukraine, việc ngăn cản các quan sát viên từ "một quốc gia xâm lược" được cho là cần thiết.
"Đã có khá nhiều tiền lệ như vậy trong thực tiễn ở OSCE" - Ngoại trưởng Ukraine khẳng định.
"Chính phủ Ukraine cam kết nỗ lực để đảm bảo các cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch theo luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận trong cuộc bầu cử dân chủ trong bối cảnh đối mặt với sự xâm lược của Nga và sự chiếm đóng bất hợp pháp các phần lãnh thổ Ukraine của Liên bang Nga" - Ngoại trưởng Klimkin viết trong bức thư gửi Giám đốc Văn phòng ODIHR.
Cuộc bầu cử tổng thống Ukraine dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 31/3 tới. Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine đã đưa ra các sửa đổi đối với nghị định về các trạm bỏ phiếu vào hôm 31/12/2018, theo đó đóng cửa tất cả các trạm bỏ phiếu ở Nga.
Sắc lệnh nêu rõ, các công dân Ukraine sinh sống và làm việc ở Nga có thể thực hiện quyền bỏ phiếu tại các trạm bỏ phiếu ở Georgia, Kazakhstan và Phần Lan.
Việc một quốc gia tiến hành bầu cử mà từ chối sự tham gia của quan sát viên nước khác bị cho là tự thừa nhận cuộc bầu cử đó có sự thiếu minh bạch.
Ukraine có đang dựng kịch bản thiếu minh bạch trong bầu cử Tổng thống tháng 3/2019? |
Các tổ chức giám sát chất lượng cao như OSCE sẽ bắt đầu công việc vài tháng trước các cuộc bầu cử: các quan sát viên dài hạn theo dõi các phương tiện truyền thông, gặp gỡ các quan chức chính phủ và kiểm tra việc thực hiện các công tác như đăng ký cử tri.
Một vài ngày trước cuộc bầu cử, các quan sát viên ngắn hạn bắt đầu tới quốc gia tiến hành bầu cử. Họ tỏa đi khắp cả nước, di chuyển từ điểm bỏ phiếu này sang điểm bỏ phiếu khác, đôi khi họ kiểm tra cả việc kiểm đếm phiếu (quyền tiếp cận của họ phụ thuộc vào các điều khoản đã được thương lượng trước với chính phủ sở tại).
Thường họ sẽ lấy mẫu và ước tính kết quả kiểm đếm cuối cùng của mình. Một số quan sát viên ở lại một khoảng thời gian sau cuộc bỏ phiếu để theo dõi về các tranh chấp.
Khi các cuộc bầu cử được thực hiện công bằng, các quan sát viên có thể giúp ngăn chặn những lời phàn nàn của những “kẻ thua cuộc cay cú”.
Còn khi bầu cử có gian lận, các quan sát viên có thể giúp biện minh cho các cuộc biểu tình trong nước, như điều đã xảy ra trong cuộc “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia vào năm 2003 và cuộc “cách mạng cam” ở Ukraine vào năm tiếp đó.
Theo Judith Kelley của Đại học Duke, ngay cả khi các quan sát viên có mặt, các chính trị gia vẫn gian lận trong khoảng 17% số các cuộc bầu cử. Các tổ chức giám sát thường phải đối mặt với sự hăm dọa và phá hoại.
Tác giả: Huy Vũ
Nguồn tin: Báo Đất Việt