Tin trong tỉnh

Ủy quyền nhiệm vụ tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ địa phương đang khai thác thuộc phạm vi quản lý

Hôm nay (20/11), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung ký ban hành Quyết định số 3777/QĐ-UBND về việc ủy quyền nhiệm vụ tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ địa phương đang khai thác thuộc phạm vi quản lý. Thời hạn ủy quyền đến hết ngày 31/12/2024.

Nội dung ủy quyền gồm: Phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại tạm thời cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; quy định nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ; thông báo khi có sự thay đổi về việc phân luồng, phân tuyến, thời gian đi lại tạm thời; thực hiện các biện pháp ứng cứu khi có sự cố xảy ra và các biện pháp tạm thời khác về đi lại trên đường bộ để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải đối với hệ thống đường tỉnh và các tuyến đường bộ khác khi được UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải quản lý.

Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đối với các tuyến đường được UBND tỉnh giao Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam quản lý.

Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đối với hệ thống đường huyện, đường Giao thông nông thôn và đường đô thị thuộc phạm vi quản lý (trừ quốc lộ, đường tỉnh, đường giao Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam quản lý).

Việc phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại tạm thời cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ không áp dụng cho mục đích phục vụ thi công công trình, dự án và các sự kiện của địa phương phải tổ chức trên đường bộ quá 02 ngày.

Việc lắp đặt báo hiệu đường bộ phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Đối với việc lắp đặt biển báo “tốc độ xe chạy”, biển báo “Khu đông dân cư” khi có kiến nghị của cơ quan, tổ chức phải thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra hiện trường, thống nhất nội dung, vị trí trước khi tổ chức lắp đặt. Cụ thể, đối với tuyến đường do Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam quản lý, Đoàn liên ngành gồm: Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh; UBND huyện liên quan. Đối với tuyến đường do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, Đoàn liên ngành gồm: Phó Chủ tịch UBND phụ trách, phòng Kinh tế - Hạ tầng (Quản lý đô thị), phòng Cảnh sát giao thông - Công an huyện, UBND cấp xã liên quan.

Đối với tổ chức giao thông trên đường giao thông nông thôn thực hiện theo quy định tại điều 12, điều 13, Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT ngày 08/8/2014 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về công tác quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn.

Trường hợp việc điều chỉnh tổ chức giao thông tại các nút giao làm thay đổi lớn tổ chức giao thông hiện đang khai thác thì Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xin ý kiến Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh trước khi tổ chức điều chỉnh.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Trường hợp có phát sinh, vướng mắc, các vấn đề chưa được quy định, vượt thẩm quyền phải báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.

Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền. Không được ủy quyền tiếp đối với các nội dung đã được ủy quyền tại Quyết định này.

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung có thay đổi về thẩm quyền thì thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Giám đốc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức rà soát, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh nội dung ủy quyền để đảm bảo phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP