Gần đây, thông tin hộp vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) 12 quả được bán với giá 200.000 đồng, tính ra gần 17.000 đồng/quả gây xôn xao thị trường. Cụ thể, quả vải được đặt nổi bật trên tấm lụa màu vàng, bên ngoài là hộp giấy cứng ghi rõ địa chỉ sản xuất, đơn vị hỗ trợ thông tin và tem truy xuất nguồn gốc.
Loại vải trên là sản phẩm được chăm sóc theo quy trình hữu cơ do doanh nghiệp liên kết với người dân sản xuất tại các xã Giáp Sơn, Quý Sơn. Để đảm bảo chất lượng vải, người dân thậm chí còn phải lắp camera giám sát quá trình chăm bón.
Vải thiều được đóng hộp lót lụa là loại vải được trồng theo quy trình hữu cơ. Ảnh: FB Từ Đào Thúy. |
Theo đó, 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20 ha. Vải thiều hữu cơ cần sự đầu tư và chi phí nhiều hơn cho phân bón, nước tưới và kỹ thuật chăm sóc nên giá cao hơn các loại vải thông thường từ 5-10%. Đặc biệt, đối với loại được lựa chọn để phục vụ thị trường cao cấp, giá sẽ cao hơn nhiều.
Cách đóng gói vải trong hộp lót lụa là của một hộ gia đình ở xã Giáp Sơn. Hộ này được cho là đã bán khoảng 200 hộp, thu về 40 triệu đồng.
Người tiêu dùng trong nước đã bắt đầu ưa chuộng hình thức sang trọng của nông sản Việt. Trong khi đó, tại đất nước nổi tiếng với trồng và tiêu thụ hoa quả sạch như Nhật Bản, việc bỏ ra một khoản tiền khá lớn để phục vụ nhu cầu thưởng thức món ăn và đảm bảo sức khỏe lại là chuyện hết sức bình thường.
Một trang trại ở tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) bán 9.000 Yên cho một hộp đựng 8 quả vải thiều Shintomi (gần 240.000 đồng/quả).
Anh Mori Tetsuya - quản lý vườn - cho biết mùa hè ở Nhật khá ngắn, mùa đông lạnh và dài khiến việc trồng loại vải hảo hạng này trở nên vô cùng khó khăn. Vì vậy, sản lượng vải thiều ở Nhật rất thấp và giá được đẩy lên mức cao.
Ngay cả trên các trang thương mại điện tử lớn của Nhật Bản, thức quả đặc sản Bắc Giang thậm chí chỉ được bán khi còn xanh, đông lạnh hoặc dưới dạng nước ép.
Tác giả: Văn Hưng
Nguồn tin: Zing.vn