Thế giới

Vết trượt của 'ông trùm' tiền điện tử lẫy lừng nước Mỹ

Hôm 28-3, Sam Bankman-Fried (32 tuổi) đã bị kết án 25 năm tù vì tội ăn cắp 8 tỷ USD từ khách hàng của sàn giao dịch tiền điện tử FTX do chính anh ta thành lập. Đây là kết cục đầy kịch tính của một tỷ phú trẻ, thành đạt nhờ tiền kỹ thuật số và những sụp đổ không ngờ...

Phán quyết được Thẩm phán Lewis Kaplan công bố hôm 2-11-2023 tại phiên tòa ở Manhattan sau khi bồi thẩm đoàn kết luận Bankman-Fried phạm vào 7 tội danh gian lận và âm mưu gian lận, liên quan đến sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX năm 2022. Sự việc được coi là một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Bankman-Fried từng có tài sản ròng lên tới 26 tỷ USD khi bước sang tuổi 30, trở thành người giàu thứ 25 ở Mỹ

Sam Bankman-Fried là ai?

Sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Sam Bankman-Fried cảm thấy cần bước qua vùng an toàn để đối mặt với thách thức. Cậu con trai của hai vợ chồng giáo sư Trường Luật thuộc Đại học Stanford đã bỏ công việc ở Phố Wall để kinh doanh trong lĩnh vực tiền điện tử. Bankman-Fried khi đó đã bắt trúng “sóng tiền ảo” khi giá trị của đồng Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác lên cao.

Sau 2 năm ra mắt quỹ phòng hộ tiền điện tử có tên Alameda Research, Bankman-Fried đã thành lập sàn giao dịch tiền kỹ thuật số FTX vào năm 2019. Đây là nơi người dùng có thể mua/bán các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin. Theo tạp chí Forbes, vào tháng 10-2021, định giá tiền điện tử tăng vọt đưa tài sản ròng của Bankman-Fried lên 26 tỷ USD khi mới bước sang tuổi 30, trở thành người giàu thứ 25 ở Mỹ. Sống và làm việc tại khu nghỉ dưỡng đắt đỏ ở Bahamas, Bankman-Fried được biết đến với hình ảnh chàng thanh niên có mái tóc xoăn bù xù, mặc quần soóc ngay cả khi chiêu đãi các quan chức, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Căn hộ penthouse trị giá 35 triệu USD ở Bahamas, nơi Sam Bankman-Fried và các đồng nghiệp cư trú thời kỳ “hoàng kim”

Bankman-Fried vốn là người không có nhiều kinh nghiệm về tiền điện tử trước khi thành lập Alameda (công ty này ban đầu kinh doanh khai thác sự chênh lệch giá của đồng tiền kỹ thuật số giữa Mỹ và châu Á). Tỷ phú trẻ có kể rằng, quãng thời gian còn là sinh viên chuyên ngành Vật lý tại MIT, anh ta cảm thấy mất phương hướng trong cuộc sống. Nhưng chính trong những năm đó, anh ta bắt đầu quan tâm đến một phong trào được gọi là “Lòng vị tha hiệu quả”, khuyến khích những người trẻ tài năng muốn tạo dấu ấn trên thế giới bằng cách tập trung vào việc kiếm tiền và cống hiến số tiền đó cho những mục đích xứng đáng.

Bankman-Fried liền mời Gary Wang (một người bạn cũ ở trại Toán học) và sau đó là Caroline Ellison (một nhà đầu tư theo phong trào “Lòng vị tha hiệu quả” và là bạn gái cũ của anh ta) đến Bahamas ở chung trong căn Penthouse trị giá 30 triệu USD cùng với các giám đốc điều hành khác của Alameda và FTX. Tỷ phú trẻ này còn là một trong những người có đóng góp lớn nhất cho Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Mỹ. Theo đánh giá, Bankman-Fried nỗ lực thể hiện mình là một người tử tế, hành động với mục tiêu xây dựng quyền lực và tầm ảnh hưởng cá nhân. Khi lĩnh vực tiền điện tử bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công mạng và rửa tiền, Bankman-Fried đã thuê những người nổi tiếng để quảng bá cho độ an toàn của sàn giao dịch FTX. Anh ta cũng công khai ủng hộ những nỗ lực quản lý tiền điện tử. Nhưng thực chất, đằng sau thái độ cởi mở và hình ảnh một doanh nhân có trách nhiệm là hành vi biển thủ tiền của khách hàng kéo dài nhiều năm.

Bản án nghiêm khắc cho tội lừa gạt khách hàng

Vụ việc lên đến đỉnh điểm vào năm 2022, khi giá tiền điện tử sụt giảm và Bankman-Fried đã phải rút tiền của khách hàng từ sàn giao dịch FTX để bù lỗ cho Alameda. Hậu quả, sàn FTX sụp đổ cùng năm đó. Bankman-Fried đã bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Metropolitan ở Brooklyn kể từ tháng 8-2023 và bị tước quyền bảo lãnh khi anh ta bị phát hiện có khả năng giả mạo nhân chứng ít nhất 2 lần.

Ba cộng sự thân cận của Bankman-Fried (trong đó có Gary Wang và Caroline Ellison) khi làm chứng tại tòa cho biết, chủ sàn giao dịch đã chỉ đạo họ sử dụng tiền của khách hàng FTX để bù lỗ cho Alameda Research. Ba người này cũng mô tả, đằng sau hình ảnh một “ông trùm” tiền điện tử lừng lẫy, mọi hành vi của anh ta chủ yếu là diễn kịch để đạt được mục đích của mình.

Bào chữa cho chính mình tại phiên tòa, Bankman-Fried thừa nhận yếu kém trong quản lý rủi ro, nhưng phủ nhận việc gian lận để chiếm đoạt tiền. Bankman-Fried nói mình đã mắc sai lầm như không triển khai đội ngũ quản lý rủi ro, gây tổn hại cho khách hàng và nhân viên của FTX. Trong lời phát biểu cuối cùng trước khi tòa tuyên án, Bankman-Fried nói: “Khách hàng đã phải chịu thiệt thòi. Tôi hoàn toàn biết điều đó. Tôi cũng nghĩ đó là điều còn thiếu trong những gì tôi đã nói trong suốt phiên tòa này. Tôi xin lỗi!”. Đề cập đến các đồng nghiệp ở FTX, Bankman-Fried nói thêm: “Họ đã đặt rất nhiều tâm huyết vào đó, nhưng tôi đã vứt bỏ tất cả. Điều đó khiến tôi bị dằn vặt mỗi ngày”.

Tuy nhiên, Bankman-Fried vẫn không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng mình chưa bao giờ có ý định lừa gạt hay lấy trộm tiền của khách hàng. “Anh ta biết điều đó là sai, là phạm tội. Anh ta hối hận vì đã đánh giá thấp về khả năng bị bắt. Nhưng việc không thừa nhận tội là quyền của anh ta” - Thẩm phán Lewis Kaplan nói.

Trong một lá thư gửi Thẩm phán Kaplan, bác sĩ tâm thần George Lerner (người trị bệnh cho Bankman-Fried) đã viết rằng, bệnh nhân của ông mắc chứng tự kỷ. Giáo sư luật Joseph Bankman (cha của Bankman-Fried) cho hay, con trai ông từ lâu đã phải vật lộn với việc giao tiếp bằng mắt và phản ứng với các tín hiệu xã hội, nhưng giới truyền thông không quan tâm. “Một khi công ty phá sản và tài sản của cậu ta không còn, mọi người trở nên ít tha thứ hơn và các biểu hiện đều bị coi là dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng, trốn tránh hoặc nói dối” - ông Joseph Bankman chia sẻ.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, khách hàng của FTX đã mất 8 tỷ USD, các nhà đầu tư cổ phần của FTX mất 1,7 tỷ USD và những người đầu tư cho quỹ phòng hộ Alameda Research mà Bankman-Fried thành lập đã mất 1,3 tỷ USD. Trước đó, các công tố viên liên bang đã đề nghị mức án từ 40 - 50 năm tù, nhưng bản án cuối cùng được tuyên là 25 năm. Bị cáo Bankman-Fried khẳng định sẽ kháng án. Ngoài ra, tòa án đã ra lệnh tịch thu 11 tỷ USD tài sản của Sam Bankman-Fried. Số tiền này sẽ được sử dụng để trả nợ cho nạn nhân trong quá trình phá sản của FTX.

Như vậy, bản án này đánh dấu đỉnh điểm sự tụt dốc của Bankman-Fried, từ một doanh nhân siêu giàu và nhà tài trợ chính trị lớn thành một ví dụ điển hình cho cái giá phải trả nếu cố tình vi phạm trong lĩnh vực công nghệ mới (thị trường tiền điện tử). Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland nhận định: “Việc lừa gạt khách hàng và nhà đầu tư sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bất cứ ai tin rằng họ có thể che giấu tội ác tài chính của mình đằng sau sự giàu có và quyền lực, hoặc đằng sau một thứ mới mẻ mà họ cho rằng không ai đủ thông minh để hiểu, thì nên suy nghĩ kỹ lại”.

Sam Bankman-Fried sinh năm 1992, thành lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX năm 2019 và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Coinbase, Binance. Tháng 11-2022, FTX gặp khủng hoảng khi không đủ tài sản dự trữ để đáp ứng làn sóng rút tiền ào ạt từ người dùng và buộc phải đệ đơn xin phá sản. Theo hồ sơ tại tòa, FTX có hơn 1 triệu chủ nợ gồm nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Apple, Meta, Netflix, LinkedIn, Adobe, AWS. Trong đó, 50 chủ nợ lớn nhất chiếm số tiền khoảng 3,1 tỷ USD.

Tác giả: Yến Chi

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP