Tin trong tỉnh

Vì sao chủ đầu tư cố tình “ém” hồ sơ công trình thi công trên địa bàn?

Trước những dấu hiệu liên quan đến công trình đường giao thông dân sinh trên địa bàn thi công kém chất lượng, thiếu minh bạch về nguyên vật liệu đầu vào…đã khiến người dân địa phương bức xúc.

Vậy nhưng, sau khi tiến hành “mục sở thị” về chất lượng công trình, phóng viên đã trực tiếp làm việc với đại diện chủ đầu tư là ông Lương Văn Năm - Chủ tịch UBND xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An nhưng vị này quanh co, cố tình “ém” hồ sơ liên quan.

Dân “tố” công trình kém chất lượng

Suốt thời gian qua, chúng tôi liên tục nhận được phản ánh của người dân trên địa bàn xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An về việc nhà thầu công trình đường giao thông dân sinh nối từ cầu bản Quàng (từ tỉnh lộ 544) vào khu vực bản Lìm dài khoảng gần 1km thi công theo kiểu “làm trước hỏng sau”.

Theo như người dân phản ánh, đơn vị thi công là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Quốc Anh (Công ty Quốc Anh) có trụ sở tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu nhận thầu công trình này đã không xây dựng tuyến đường theo như thiết kế ban đầu. Đặc biệt, mặc dù gói thầu được triển khai thi công theo kiểu “chắp vá” nhưng sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã bong tróc, hư hỏng nặng.

Cát dùng để trộn bê tông chứa nhiều tạp chất

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dự án kiên cố hóa giao thông bằng phương pháp đổ bê tông nền đường vào bản Lìm chia thành nhiều giai đoạn, riêng gói thầu mà Công ty Quốc Anh đang thi công có tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng. Đây là công trình do UBND xã Châu Phong làm chủ đầu tư, Công ty Quốc Anh được chỉ định giao thi công.

Để tiến hành “mục sở thị”, vào những ngày gần đây, chúng tôi đã vượt quãng đường hơn 100km từ Tp Vinh lên khu vực địa bàn xã Châu Phong – địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳ Châu nơi có phần lớn đồng bào người Thái sinh sống để tìm hiểu.

Mặt nền đổ bê tông không được vệ sinh sạch sẽ

Khi có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận được những gì mà người dân ở đây phản ánh về thực trạng công trình thi công kém chất lượng là có cơ sở. Cụ thể, mặt đường trước khi đổ bê tông không được nhà thầu tổ chức lu lèn tạo mặt bằng mà chỉ đóng khuôn ván hai bên rồi trải lớp ni long mỏng lên mặt đường rồi đổ bê tông lên trên. Điều này còn được thể hiện tại đoạn chuẩn bị đổ bê tông, cũng được đơn vị này thực hiện giống phương pháp trên...

Theo lời kỹ thuật giám sát công trình cho biết, mặt đường được thiết kế chiều rộng 3,6m, chiều cao 20cm... Tuy nhiên, qua quan sát và dùng thước đo chúng tôi nhận thấy nhiều nơi độ dày của bê tông chỉ có 17-18cm là chủ yếu, thậm chí có chỗ chỉ được 16cm, chưa đúng với thiết kế được phê duyệt. Đặc biệt, tại một vị trí cống thoát nước qua đường, và một số vị trí trên đường bê tông, đơn vị thi công đổ bê tông quá cẩu thả, để rộ hết cả bề mặt...



Theo phản ánh của người dân địa phương, đơn vị thi công đã lấy cát, sỏi dưới chân cầu bản Quàng để trộn bê tông đem đi đổ đường. Tại thời điểm phóng viên có mặt, dưới chân cầu bản Quàng có 01 máy xúc công suất khá lớn, xung quanh đó là bãi các tập kết cát, sỏi, đá 1x2cm, xi măng... Theo lời của kỹ thuật giám sát công trình thì đây là nơi trộn bê tông để đổ mặt đường bản Quàng.

Tuy nhiên, qua quan sát, chúng tôi thật bất ngờ với nguồn vật liệu này, bởi thời điểm đó có 02 đống cát với thành phần khác nhau, một đống cát có trộn lẩn một ít sỏi được khai thác dưới lòng suối, một đống cát khác trộn lẫn đất cũng được khai thác dưới lòng suốt, riêng bãi đá 1x2cm do được tập kết dưới chân cầu quá lâu và bị ngập nước nên bên trong có chứa lẫn nhiều đất bẩn... Tại đây chúng tôi quan sát không hề có “sàng cát” như các công trình thường vẫn hay dùng để tuyển cát trước khi đưa vào trộn bê tông...

Với thành phần bê tông như trên chắc chắn chất lượng công trình sẽ không thể đảm bảo chất lượng như thế kế được phê duyệt. Hiện tại, một đường nhà thầu thi công cách đây chưa lâu, mặt đường bê tông bị bong tróc, trồi hết đá sỏi ra ngoài...

Chủ đầu tư “ém” hồ sơ?

Chiều ngày 16/9, sau khi tiến hành tìm hiểu trực tiếp tại hiện trường, phóng viên đã trực tiếp làm việc với ông Lương Văn Năm – Chủ tịch UBND xã Châu Phong (đơn vị làm chủ đầu tư) tuyến đường nói trên.

Trong quá trình làm việc, chất vấn các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình thì chủ tịch UBND xã Châu Phong thừa nhận những phản ánh của người dân là có cơ sở. “Khi nhận được phản ánh, xã cũng đã cử cán bộ xuống hiện trường để lập biên bản, yêu cầu nhà thầu thi công khắc phục” – ông Lương Văn Năm thông tin.

Tuy nhiên, khi đặt vấn đề tìm hiểu hồ sơ liên quan đến công trình đường giao thông đường vào bản Lìm thì ông Lương Văn Năm nói rằng, hiện tại cán bộ phụ trách hồ sơ đã đi vắng và hẹn phóng viên sáng mai (sáng ngày 17/9-PV) để quay lại làm việc, cung cấp hồ sơ.

Độ dày của bê tông không đạt 20cm và còn bị rộ

Đúng hẹn, trước khi đến trụ sở UBND xã Châu Phong để làm việc, chúng tôi liên lạc qua số điện thoại cầm tay của ông Lương Văn Năm nhưng vị này lại nói rằng cán bộ phụ trách hồ sơ không có ở cơ quan.

Để làm rõ các vấn đề liên quan, phóng viên cũng trực tiếp liên hệ làm việc với phòng Kinh tế - Hạ tầng của UBND huyện Quỳ Châu nhưng ông Kim Văn Minh – Phó phòng trả lời như “điệp khúc” của chủ tịch UBND xã Châu Phong rồi hẹn khi nào cán bộ phụ trách lĩnh vực này về nhiệm sở sẽ liên lạc lại?!.

Phải chăng, mặc dù công trình có số vốn đầu tư huy động từ nguồn ngân sách "khiêm tốn" nhưng trước những sự việc mà người dân và dư luận phản ánh, đại diện cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã cố tình “ém” hồ sơ liên quan đến công trình này hiện đang triển khai thi công ở một địa bàn vùng sâu, vùng xa?

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP