|
Dẫn chúng tôi đi qua các cánh đồng trồng lạc Mũ Càng, Đội Sau, Trí Cụ… rộng hàng chục ha đang bước vào mùa thu hoạch, ông Lê Văn Phong – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc) cho biết: “Toàn xã có 15 xóm thì tất cả 15 xóm đều trồng lạc, vụ đông xuân vừa qua toàn xã gieo trồng 180 ha lạc/250 ha đất nông nghiệp của xã. Đặc biệt, từ khi đổi sang canh tác giống lạc L14 thì năng suất đạt gần 2,3 tạ/sào, chất lượng tốt, hàm lượng dầu cao.
Vậy nhưng, dù năng suất và chất lượng lạc được tăng lên thì diện tích trồng lạc của xã lại đang có chiều hướng giảm. Những năm gần đây có khoảng trên 20 ha trồng lạc được bà con chuyển đổi sang trồng ngô và rau màu”.
Đây là thực trạng diễn ra không chỉ ở Nghi Thịnh mà phổ biến trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Thông thường, lạc vụ xuân của huyện nằm ở mức 3.000 ha thì nay giảm xuống còn 2.500 ha. Bù lại, tổng diện tích ngô trước đây thường duy trì ở mức 1.200 ha thì nay lại tăng lên vượt trội gần 2.300 ha.
|
Giải thích cho thực trạng này, ông Đồng Thanh Bình – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: “Cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp của địa phương có nhiều sự thay đổi xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Nổi bật lên trong đó là sự hoán đổi vị trí “thượng tôn” của cây lạc so với cây ngô và rau màu.
Cụ thể, tại các xã Nghi Lâm, Nghi Hưng, Nghi Kiều, Nghi Văn…trong những năm gần đây lĩnh vực chăn nuôi phát triển mạnh. Nhiều trang trại lợn và bò với tổng đàn hàng nghìn con đòi hỏi nguồn thức ăn cực kỳ lớn. Trong đó, cây ngô được các chủ trang trại ưu tiên nhập về để chế biến làm thức ăn cho vật nuôi với mức giá tương đối cao, duy trì ổn định. Từ đó, trên nhiều diện tích đất nông nghiệp thường xuyên có nguy cơ ngập lụt hoặc hạn hán thì bà con chuyển đổi sang trồng ngô với hàng trăm ha.
Đối với các xã dọc hai tuyến QL1A và QL 46, nhờ có giao thông thuận tiện vận chuyển nông sản tiêu thụ tới hai thị trường lớn là thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, bà con cũng dần chuyển đổi nhiều diện tích trồng lạc sang trồng ngô nếp ngọt để bán. Vậy nên, thời gian qua, địa bàn các xã như Nghi Trung, Nghi Long, Nghi Thuận (dọc Quốc lộ 1A) và các Nghi Trường, Nghi Thạch, Nghi Phong (dọc Quốc lộ 46) thì cây ngô dần thay thế vị trí chủ lực của cây lạc.
|
Cuối cùng, vào vụ đông, để tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, bà con đã phát triển nhiều diện tích ngô và cây rau màu thành vùng chuyên canh hàng hóa như Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Trung…
Vì vậy, gần 500 đến 700 ha đất chuyển đổi trên địa bàn huyện Nghi Lộc giờ bà con hầu như rất ít canh tác cây lạc mà chuyển sang chủ yếu trồng ngô và rau màu.
Còn trên diện tích đất thuần trồng lạc, số diện tích này giảm từ 400 ha đến 500 ha trong 5 năm trở lại đây”.
|
Còn trên diện tích đất thuần trồng lạc, số diện tích này giảm từ 400 ha đến 500 ha trong 5 năm trở lại đây”.
|
Lý giải thực trạng trên, ông Hồ Đình Thắng – Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết: “Trong một thời gian dài, đầu ra tiêu thụ sản phẩm lạc khá bấp bênh. Ngoài dùng lạc để ép thành dầu thì phần lớn lạc thành phẩm vẫn phụ thuộc vào tư thương nhỏ lẻ tiêu thụ. Việc mua – bán chỉ là những thỏa thuận miệng mà thiếu tính ràng buộc chặt chẽ bằng văn bản, hợp đồng. Vì vậy, người nông dân luôn ở trong tình trạng bị động, yếu thế khi thỏa thuận về mức giá hay số lượng xuất hàng.
Cùng với đó, dù bà con làm tốt khâu sản xuất nhưng còn nhiều hạn chế trong khâu chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Vì huyện chưa có lò sấy sơ chế và kho bảo quản nên nếu không bán nhanh lạc sẽ chuyển màu hoặc mọc mầm. Vì vậy, dù đắt, rẻ lạc cũng phải bán ngay trong tháng sau thu hoạch chứ không thể đợi đến lúc giá cao mới xuất hàng.
Trong khi đó, để đầu tư cho 1 sào lạc thì tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động tính thời điểm này hết khoảng từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/sào. Tiền lãi ròng là rất thấp, chưa tính công thì lãi cũng chỉ xấp xỉ 600.000 đồng/sào mà thôi.
|
Còn tại Diễn Châu, bức tranh trồng lạc có phần “sáng” hơn những địa phương khác của tỉnh khi diện tích trồng lạc luôn duy trì ổn định. Ngoài diện tích trồng lạc vụ xuân luôn duy trì trên 2.700 ha thì vụ đông còn có xu hướng tăng lên do hiệu quả kinh tế cao từ việc sản xuất lạc giống.
Với việc đảm bảo từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, Diễn Châu không chỉ là vựa lạc mà còn được biết đến là nơi thu mua và xuất khẩu lạc lớn nhất tỉnh. Diễn Châu không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lạc trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… mang lại đầu ra ổn định hơn cho cây lạc huyện nhà.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu theo đường chính ngạch không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trong khi đó, xuất khẩu theo đường tiểu ngạch lại bấp bênh, nhiều rủi ro cho cả người trồng lạc và người thu mua, xuất khẩu lạc. Ví như năm 2017, giá lạc bấp bênh khiến hàng nghìn tấn lạc bị tồn ứ, mất khá nhiều thời gian để tiêu thụ hết số thành phẩm trên.
|
Ông Nguyễn Đình Hương – Chi cục phó Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật cho biết: Theo số liệu thống kê, diện tích trồng lạc trên địa bàn toàn tỉnh giảm mạnh trong 10 năm qua. Dù năng suất và chất lượng của lạc ngày càng cải thiện rõ rệt khi bà con liên tục cập nhật những giống tốt, kỹ thuật canh tác cũng đã hiện đại và khoa học hơn. Cụ thể, năm 2008 tổng diện tích canh tác lạc của toàn tỉnh là hơn 23.400ha thì đến năm 2015 giảm còn 17.900ha và cho đến năm 2017 giảm chỉ còn hơn 15.000ha.
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Thứ nhất, những năm gần đây, ngô trở thành loại cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của nhiều huyện. Nhu cầu về việc trồng ngô để lấy hạt và phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi rất lớn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi sản xuất lạc xuân đối mặt với rất nhiều khó khăn cả về thị trường tiêu thụ và thời tiết cực đoan thì cây ngô lại càng chứng tỏ được những ưu thế vượt trội với đầu ra ổn định, chịu hạn tốt, rủi ro do thời tiết ít hơn…
Khi bước vào vụ đông, giá trị kinh tế của rau màu cũng cao hơn so với lạc. Nếu so sánh với cây lạc, trồng rau màu cũng có những lợi thế rất rõ. Một chu kỳ phát triển của cây lạc đủ thời gian để người dân có thể trồng được 2 tới 3 vụ rau để nâng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích.
|
Quan trọng hơn cả, dù chất lượng lạc Nghệ An đã đạt cao các yêu cầu về giống, kích cỡ và màu sắc, thế nhưng khâu quan trọng nhất là tìm kiếm một thị trường ổn định thì vẫn còn nhiều bất cập. Lạc của tỉnh ta chủ yếu bán qua thị trường Trung Quốc (chiếm gần 65% tổng sản lượng). Nhưng thị trường này luôn luôn biến động và có nhiều diễn biến khó lường. Bà con xuất hàng đi cũng không có cam kết, hợp đồng chặt chẽ mà chủ yếu dựa vào thỏa thuận bằng lời. Do vậy, giá cả luôn bấp bênh, người bán thì thấp thỏm sợ bị ế hàng. Cùng với đó, lạc khi xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô hoặc chỉ qua sơ chế đơn giản cho nên giá trị đem lại không cao.
|
Để có nguồn tiêu thụ tốt hơn, cần có các giải pháp tìm kiếm thêm những thị trường ổn định khác ngoài Trung Quốc. Để làm được điều đó, ngoài chất lượng đảm bảo, còn phải chú trọng đến khâu cải tiến chế biến, đóng gói bao bì.
Đồng thời, cần xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho lạc Nghệ An, qua đó có thể quản lý từ sản xuất đến chế biến thành sản phẩm xuất khẩu.
Cuối cùng, phải đẩy mạnh chuyển giao các loại giống mới, các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, tăng cường đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để giảm đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân.
Ảnh: Thanh Quỳnh – Lê Thắng
Thiết kế – Kỹ thuật: Hà Giang
Tác giả: Thanh Quỳnh
Nguồn tin: Báo Nghệ An