Mới đây, ngày 26/11/2020, Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện dự án Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập (bao gồm nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và nhiệt điện Quỳnh Lập 2), thuộc KCN Đông Hồi, thị xã Hoàng Mai.
“Nhận diện” các dự án “treo” kéo dài
Tháng 7/2010, công ty TNHH thép Kobe, Nhật Bản đã phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất sắt thép Kobelco tại KCN Đông Hồi với quy mô 407.273m2.
Đây là sự kiện được xem là “đi tắt đón đầu” mà chính quyền tỉnh Nghệ An mong đợi để tập trung thu hút nguồn vốn FDI vào địa phương, tạo nên vệ tinh kinh tế vùng địa đầu xứ Nghệ.
Vào thời điểm 2010, bằng việc thu hút được dự án khoảng 1 tỷ USD đầu tư trên địa bàn cũng được xem là thành quả rất đáng tự hào. Dự kiến năm 2012 sẽ đi vào hoạt động sẽ mở ra cho thị trường trong nước và nước ngoài nguồn nguyên liệu sắt xốp rất lớn.
Thế nhưng, sau khi khởi công xây dựng, dự án đã rơi vào tình trạng “chết yểu” trước sự mong mỏi của chính quyền lẫn người dân địa phương, trực tiếp là xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập thị xã Hoàng Mai bây giờ.
Suốt 9 năm qua, dự án 01 tỷ USD không thể triển khai hoàn thành các hạng mục như đã đề ra mặc dù Bộ Công Thương, tỉnh Nghệ An và đại diện chủ đầu tư đã có nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ. Theo đó, nhiều phương án được đưa ra để nhà đầu tư triển khai bỏ vốn xây dựng các hạng mục nhưng cuối cùng không thể tìm được lối đi như mong đợi.
Sau gần 9 năm không thể triển khai đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động như kế hoạch đặt ra, dự án xây dựng máy sản xuất sắt xốp Kobelco có số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD đã bị thu hồi vào tháng 9/2019 |
Đến ngày 24/6/2019, ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký ban hành Quyết định số 2330/QD-UBND về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sắt xốp theo công nghệ Itmk3 với công suất 2 triệu tấn sản phẩm/1 năm, tại KCN Đông Hồi, thị xã Hoàng Mai.
Cũng tại KCN Đông Hồi, ngày 26/11/2020, Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện dự án Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập tổng mức đầu tư lên tới 2,13 tỷ USD (bao gồm nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và nhiệt điện Quỳnh Lập 2), thuộc KCN Đông Hồi, thị xã Hoàng Mai do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư.
Chuyển hướng thu hút đầu tư?
Gần 10 năm trước, vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An, trực tiếp là thị xã Hoàng Mai được giới đầu tư biết tới là mảnh đất chuyên “săn” các dự án triệu đô, tỷ đô về xây dựng nhà máy nhiệt điện, sắt xốp...
Tại thời điểm đó, hàng nghìn héc ta đất đai của các phường, xã ở đây đã nhanh chóng được chuyển đổi, giải phóng mặt bằng để nhường đất cho dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thậm chí là khởi công trước đó.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, những “sếu đầu đàn” đã nhanh chóng tìm bến đỗ mới mà không hề “làm tổ” ở vùng KCN Đông Hồi, thị xã Hoàng Mai do nguyên nhân thiếu nguyên liệu, cơ cấu nguồn vốn, cơ chế phối hợp… Các “siêu dự án” nhanh chóng rơi vào trạng thái “đắp chiếu” hàng chục năm liên tục.
Trở lại với vấn đề vì sao dự án Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập tổng mức đầu tư lên tới 2,13 tỷ USD mới đây đã bị tỉnh Nghệ An đề nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi thì có nhiều nguyên do ngoài việc chậm tiến độ.
Việc đề nghị thu hồi dự án Trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập tổng mức đầu tư lên tới 2,13 tỷ USD nhằm để chuyển hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực khác (ảnh báo Nghệ An) |
Theo đại diện chính quyền địa phương thì mục tiêu chính của động thái dừng dự án này là ưu tiên quỹ đất thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Chính vì vậy, việc xoay trục thu hút đầu tư từ nhiệt điện, công nghiệp nặng cách đây 10 năm ở KCN Đông Hồi thì nay đã được tỉnh Nghệ An chuyển hướng phát triển công nghiệp nhẹ, ngành nghề ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy thị xã Hoàng Mai phát triển, trở thành đô thị biển gắn với công nghiệp sạch và du lịch, dịch vụ.
Còn về phía người dân địa phương, nơi trước đây họ đã phải ly nông mong sớm không phải ly hương để nhường đất cho các dự án tỷ đô hoàn toàn ủng hộ động thái trên từ cấp có thẩm quyền. Bởi hơn ai khác, họ đã quá xót xa với tình cảnh “đất chết” hàng chục năm nay vẫn chưa được hồi sinh.
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: Diễn đàn Doanh nghiệp