Trong nước

Vì sao Thanh Hóa, Nghệ An không trong diện sáp nhập?

Ngày 10/4, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đã lý giải lý do các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An không trong diện sắp xếp đơn vị hành chính.

Ngày 10/4, tại tọa đàm “Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm", Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn thông tin Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính có đề xuất 11 tỉnh không thuộc diện sắp xếp lần này. Tuy nhiên, các địa phương này mới dừng lại ở việc xem xét tiêu chí diện tích tự nhiên, quy mô dân số.

"Như tôi đã trao đổi, diện tích, dân số là yếu tố ban đầu, không phải yếu tố quyết định trong việc sắp xếp đơn vị hành chính. Yếu tố quyết định là làm sao tạo ra được nhiều dư địa phát triển tốt hơn trong tương lai", ông Phan Trung Tuấn cho biết.

Ông Phan Trung Tuấn - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ. Ảnh: Dân trí

Theo ông Phan Trung Tuấn, trong phương án Vụ Chính quyền địa phương tham mưu, trình Hội nghị Trung ương xem xét thì có một số tỉnh thuộc diện không đề xuất trong sắp xếp tỉnh lần này. Ví dụ như tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, ngoài yếu tố diện tích, dân số của hai tỉnh này, cần tính đến tiềm năng, lợi thế nội tại để phát triển địa bàn này đủ lớn, đủ rõ ràng để tạo động lực phát triển cho địa phương, cho một vùng.

Cụ thể, Nghệ An và Thanh Hóa đều nằm trong vùng Bắc Trung Bộ. Đây là 1 trong 5 tiểu vùng của 6 vùng kinh tế. Hai tỉnh này có thể ví von như "Việt Nam thu nhỏ" với đầy đủ miền núi, đồng bằng, ven biển, biên giới, sân bay, cảng biển, cao tốc…

"Như tôi đã nêu, không gian phát triển là yếu tố rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Các phương án phải tính toán rất kỹ lưỡng các yếu tố để đưa ra phương án tối ưu nhất. Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, mở rộng dư địa phát triển nhưng bảo đảm được chính quyền gần dân, sát dân.

Trong quá trình sắp xếp, chúng ta cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có diện tích tự nhiên, dân số thì có một số tỉnh không thuộc diện sắp xếp lần này. Bên cạnh diện tích tự nhiên, dân số, chúng ta cần tính đến yếu tố về quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế phải gắn với quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia", Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương thông tin.

Đáng chú ý, lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương thông tin, trong ngày hôm nay, bên cạnh đề án trình Trung ương, dự kiến Bộ Nội vụ cũng trình Chính phủ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sửa đổi căn cơ, để thay thế luôn cho luật hiện hành. Với việc này, từ ngày 1/7, sau khi sửa Hiến pháp, bộ máy chính quyền 2 cấp ở địa phương sẽ đi vào vận hành ngay.

"Chúng ta sẽ sớm có một hệ thống tổ chức, bộ máy đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đúng như yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới", ông Phan Trung Tuấn khẳng định.

Bộ Nội vụ cho biết, bên cạnh việc kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đề xuất tập trung sửa đổi, bổ sung các nhóm vấn đề, trong đó có sửa đổi các quy định liên quan đến mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Tác giả: Lê An

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP