Virus CMV là nguyên nhân khiến bé sơ sinh tử vong ngay sau khi chào đời. Ảnh minh họa |
Ngày 23/10, Zing dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, tại bệnh viện này vừa ghi nhận một trường hợp bé sơ sinh tử vong sau khi sinh vì mắc phải virus cytomegalo (CMV).
Theo đó, bé sơ sinh chào đời nặng 2,7 kg. Tuy nhiên, ngay sau đó bé có diễn biến bất thường. Toàn thân trẻ vàng nhờn nhợt, ban tím vùng lưng, mặt, tim đập rời rạc…Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu, đặt nội khí quản, chuyển trẻ sang chuyên khoa Sơ sinh điều trị tích cực.
Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bé đã không qua khỏi sau 11 giờ được cấp cứu và điều trị tích cực. Về nguyên nhân khiến bé sơ sinh tử vong ngay sau khi chào đời, sau khi xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ kết luận sản phụ nhiễm virus CMV trước khi chuyển dạ dẫn đến thai nhi tử vong.
Virus CMV là gì?
Virus cytomegalo (CMV) là giống virus thuộc họ Herpesviridae hoặc Herpesviruses. Cái tên cytomegalo bắt nguồn từ Hy Lạp, có nghĩa là tế bào lớn. CMV có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trong cơ thể nhưng nhiễm trùng CMV thường liên quan đến tuyến nước bọt.
Một khi cơ thể đã nhiễm CMV thì nó sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời. Chu kỳ của CMV gồm giai đoạn ở thể ngủ và giai đoạn hoạt động trở lại. Khi cơ thể khỏe mạnh, CMV chủ yếu không hoạt động. Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, CMV có thể tái hoạt động và gây ra bệnh lý cho cơ thể.
Tại Mỹ có ít nhất 60% dân số phơi nhiễm với virus CMV. Tại các nước đang phát triển, hầu hết tình trạng nhiễm trùng mắc phải ở trẻ nhỏ; còn ở các quốc gia phát triển thì 50% người trưởng thành có kết quả huyết thanh được chẩn đoán CMV âm tính.
Virus CMV gây ra tình trạng gì?
Virus CMV gây ra tình trạng nhiễm trùng không triệu chứng, do đó thường rất khó phát hiện bệnh. Virus vẫn tồn tại tiềm tàng bên trong cơ thể con người suốt cuộc đời và có thể tái hoạt động bất cứ lúc nào. Cơ thể được xác định là nhiễm trùng khi phân lập CMV, các protein virus của CMV hoặc nucleic acid từ một mô hay dịch cơ thể bất kỳ.
Cytomegalovirus liên quan đến virus gây bệnh thủy đậu, herpes simplex. Ở những người bị suy giảm miễn dịch, khi mắc các bệnh do CMV gây ra thường có biểu hiện như hội chứng tăng bạch cầu đơn nhân.
Con đường lây truyền virus CMV
Nhiễm trùng cytomegalovirus có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh, bao gồm: máu, nước bọt, nước tiểu, sữa, tinh dịch.
Bên cạnh đó, CMV chỉ có thể lây truyền trong giai đoạn virus đang hoạt động. Nghĩa là nếu tiếp xúc với người mang virus trong thời gian virus ngủ thì sẽ không bị lây. Phụ nữ đang mang thai và nhiễm trùng CMV tiến triển thì có thể truyền virus sang trẻ.
Các hoạt động có thể gây lây nhiễm CMV như:
- Chạm vào mắt, lỗ mũi, miệng của mình sau khi tiếp xúc với dịch của người nhiễm virus. Đây là con đường lây truyền CMV phổ biến nhất;
- Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su với người nhiễm virus;
- Lây từ mẹ sang con thông qua sữa mẹ. Tuy nhiên trường hợp này rất ít khi xảy ra;
- Lây qua việc truyền máu, cấy ghép các cơ quan trong cơ thể;
- Lây từ mẹ sang con thông qua nhau thai.
Con đường lây truyền virus CMV
- Ở trẻ em
Phụ nữ nhiễm CMV trước khi mang thai có thể truyền virus sang con. Nếu là nhiễm CMV nguyên phát thì nguy cơ truyền sang con cao hơn là nhiễm CMV tái phát. Quá trình lây nhiễm thường diễn ra trong khoảng 3 tháng đầu thai kỳ.
Đa số trẻ nhiễm CMV trong thời gian mang thai thường có biểu hiện bình thường khi sinh. Các dấu hiệu sẽ tiến triển dần theo thời gian, phải mất vài tháng, thậm chí là vài năm. Triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ nhiễm CMV ngay sau sinh là mất thính lực hoạc tiến triển suy yếu thị lực.
Trẻ bị nhiễm CMV bẩm sinh thường rất yếu và có xu hướng ngày càng yếu đi. Các triệu chứng nhiễm CMV của trẻ bao gồm: vàng mắt, da; da thâm tím, có ban đỏ; nhẹ cân; lá lách; chức năng gan kém; khó thở; co giật.
- Ở người suy giảm miễn dịch
Những người suy giảm miễn dịch bị nhiễm CMV thường có biểu hiện giống như một loại bệnh truyền nhiễm. Virus này cũng có thể tấn công các cơ quan khác trong cơ thể. Triệu chứng cụ thể bao gồm: sốt, tiêu chảy, viêm phổi, viêm gan, viêm não, loét ống tiêu hóa, thay đổi hành vi, suy giảm thị lực, mù lòa, co giật, ngất…
- Ở người khỏe mạnh
Đa số những người khỏe mạnh nhiễm CMV thường ít có biểu hiện cụ thể. Các triệu chứng thường tương tự như nhiễm trùng, gồm: sốt, đau nhức cơ thể, mệt mỏi.
Phương pháp điều trị người bệnh mắc CMV
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho người nhiễm CMV. Bệnh nhân nhiễm CMV có thể được chỉ định dùng các thuốc kháng vi rút như:
- Ganciclovir tiêm tĩnh mạch;
- Cidofovir tiêm tĩnh mạch ;
- Foscanet tiêm tĩnh mạch;
- Valaciclovir uống;
- Acyclovir uống.
Virus có thể tồn tại trong cơ thể con người suốt đời, nguy cơ tái phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, hãy tự chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi nhiều và tăng sức đề kháng để cơ thể đủ khả năng kiểm soát nhiễm trùng.
Tác giả: Nguyệt Hà (T/h)
Nguồn tin: Đời sống Plus