Pháp luật

Vợ chồng chủ doanh nghiệp Tân Khải Phát "sập bẫy lừa" tinh vi của “cố nhân” như thế nào?

Sau khi biết Công ty Cổ phần Tân Khải Phát của vợ chồng bà Nhạn gặp khó khăn, Mark đưa ra lời hứa cho sẽ mượn một số tiền lớn. Nhưng đây chỉ là “mồi nhử” của gã đàn ông ngoại quốc mà bà Nhạn tình cờ gặp gỡ gần 15 năm trước…

Như Báo CAND đã thông tin, năm 2021, bà Hoàng Thị Hồng Nhạn (vợ ông Nguyễn Phước Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Khải Phát) cho ông Mark (là người bà Nhạn gặp gỡ năm 2008 tại một cuộc hội thảo ở Mỹ) mượn 38.000 USD. Cuối năm 2021, khi biết doanh nghiệp của vợ chồng bà Nhạn gặp khó khăn, Mark tỏ ra hào phóng, hứa sẽ chuyển cho bà Nhạn một số tiền lớn.

Sau đó, Mark nhắn với bà Nhạn là công ty của ông ta vừa thực hiện xong hợp đồng kinh tế với một đối tác tại Senegal và được thanh toán số tiền 850.000 USD. Tuy nhiên, Mark nói rằng không biết cách chuyển số tiền này về Việt Nam cho bà Nhạn nên hướng dẫn bà liên hệ với một luật sư tên là Sidy để hỗ trợ. Sau đó, một người tự xưng là "Sidy" chủ động liên hệ với bà Nhạn qua mạng xã hội WhatsApp và email để hướng dẫn làm thủ tục nhận tiền. Sidy nói với bà Nhạn là sẽ mở một tài khoản tại ngân hàng rồi sau đó gửi thẻ ATM về Việt Nam để bà rút tiền.

Đến ngày 23/11/2021, bà Nhạn nhận được thẻ ATM từ ngân hàng UBA của quốc gia Senegal mang tên “HOANG THI NHAN” từ dịch vụ chuyển Fax nhanh DHL, người gửi ghi tên là "Sidy". Sau khi nhận được thẻ, bà Nhạn liên hệ với ngân hàng UBA theo địa chỉ email do Sidy cung cấp thì được phía ngân hàng yêu cầu chụp gửi thông tin cá nhân để xác nhận bà có đúng người mở thẻ không.

Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng tiến hành khám xét nơi ở và bắt giữ ông Nguyễn Phước Hùng.


Khi bà Nhạn xác nhận xong thì ngân hàng gửi qua email thông báo tài khoản trên đúng là của bà và số dư hiện có là 850.000 USD, đồng thời cung cấp mật khẩu để đăng nhập tài khoản. Tiếp đó, bà Nhạn nhận được email yêu cầu đến một ngân hàng quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam rút 100 USD để kích hoạt tài khoản. Sau khi đến ngân hàng HSBC chi nhánh Đà Nẵng và rút được 2 triệu đồng từ tài khoản trên, bà Nhạn hoàn toàn tin tưởng vào “lòng tốt” của Mark.

Biết đã chiếm lòng tin của bà Nhạn, các đối tượng tiếp tục mạo danh ngân hàng UBA gửi email, yêu cầu bà đến ngân hàng quốc tế rút 40.000 USD. Tuy nhiên, lúc này hệ thống báo lỗi nên bà Nhạn không rút được tiền... Tất cả những điều này đều là do “thủ thuật” tinh vi, phức tạp của Mark và đồng bọn.

Sau khi rút tiền không được, bà Nhạn được Mark hướng dẫn liên hệ “ngân hàng UBA” theo địa chỉ email giả mạo của các đối tượng cung cấp. Sau đó, “ngân hàng UBA” trả lời qua email, đề nghị bà Nhạn phải đóng các loại phí như chống rửa tiền, chống khủng bố và lệ phí thẻ thì mới rút được tiền trong tài khoản.

Theo hướng dẫn của “luật sư Sidy”, từ cuối năm 2011 đến đầu tháng 4/2022, bà Nhạn đã sử dụng tiền của gia đình và vay mượn thêm nhiều người để mua số Bitcoin trị giá hơn 9 tỷ đồng rồi chuyển vào các ví tiền điện tử do người này cung cấp, trong đó có mượn của vợ chồng bà H.T.K.N (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đợt 1 với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Đến thời điểm đó, bà Nhạn và chồng chỉ thực hiện các giao giao dịch vay mượn dân sự, chưa phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...

Sau khi liên tục đóng các khoản phí nhưng vẫn không “giải tỏa” số tiền “ảo” 850.000 USD, bà Nhạn tiếp tục liên hệ thì nhận được email giả mạo ngân hàng UBA hẹn bà Nhạn trực tiếp sang Senegal để giải quyết các vướng mắc. Trước khi mua vé máy bay sang Senegal, bà Nhạn nhờ chồng tìm hiểu thì biết mình bị tạm hoãn xuất cảnh vì liên quan đến việc thi hành án dân sự của Công ty Cổ phần Tân Khải Phát.

Bà Hoàng Thị Hồng Nhạn khi Cơ quan Công an bị bắt giữ.


Đến lúc này, vợ chồng ông Hùng và bà Nhạn vẫn chưa nhận ra việc bị các đối tượng người nước ngoài lừa đảo. Họ vẫn tin chỉ cần nộp thêm tiền để “giải quyết thủ tục” theo yêu cầu của kẻ gian thì sẽ được hoàn trả phần lớn số tiền đã nộp và được nhận 850.000 USD. Nhưng vì không còn tiền để nộp, ông Hùng bàn bạc với bà Nhạn nói dối với vợ chồng bà H.T.K.N rằng bà Nhạn đã xuất cảnh thành công sang Senegal và chỉ cần nộp thêm tiền “thế chấp” cho cơ quan nước ngoài là sẽ được “giải tỏa” số tiền 850.000 USD và sau đó cũng sẽ được hoàn trả các khoản thế chấp.

Với lý do này, ông Hùng và bà Nhạn đề nghị vợ chồng bà N cho mượn thêm tiền. Vì là bạn bè quen biết nhau hơn 20 năm nên vợ chồng bà H.T.K.N tiếp tục tin tưởng vào câu chuyện trên.

Từ giữa tháng 4 đến 17/5/2022, vợ chồng bà H.T.K.N đã chuyển cho vợ chồng ông Hùng mượn thêm số tiền 11,6 tỷ đồng. Sau mỗi lần nhận được tiền, bà Nhạn tiếp tục mua Bitcoin và chuyển cho các đối tượng chưa xác định được. Tổng số tiền bà Nhạn đã mua Bitcoin chuyển cho các các đối tượng lừa đảo lên đến 21 tỷ đồng, trong đó có số tiền lừa mượn của vợ chồng bà H.T.K.N.

Đến khi bà Nhạn không còn xoay sở được thêm khoản tiền nào, các đối tượng mới lộ rõ chân tướng là đường dây lừa đảo và cắt đứt liên lạc với bà Nhạn...

Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.


Tác giả: Thân Lai

Nguồn tin: cand.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP