Tin trong tỉnh

Vụ án cô giáo Lê Thị Dung: Nhận diện quy chế chi tiêu nội bộ trong trường học

Nhiều nhà giáo đang đặt câu hỏi về quy chế chi tiêu nội bộ trong các đơn vị giáo dục, cơ sở đào tạo. Đây là lúc rà soát lại văn bản luật, dưới luật; khẳng định thêm bài học về việc tuân thủ nguyên tắc tài chính đối với thủ trưởng các đơn vị hoạt động chuyên môn, nhất là lĩnh vực giáo dục.

Ngày 10/5, Tạp chí Công dân và Khuyến học đăng tải bài viết "Vụ án cô giáo Lê Thị Dung: Quy chế chi tiêu nội bộ ở trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện thế nào?" nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Bài báo này được chia sẻ trên một diễn đàn giáo dục và nhận về nhiều ý kiến nêu quan điểm rằng, quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên (Nghệ An) do cô giáo Lê Thị Dung làm Giám đốc đã được xây dựng, phê duyệt và ban hành đúng theo quy định của pháp luật.

Cô giáo Lê Thị Dung khẳng định đã gửi quy chế chi tiêu nội bộ cho Phòng Tài chính huyện và Kho bạc Nhà nước Hưng Nguyên

Về vụ án cô giáo Lê Thị Dung - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên (Nghệ An), liên quan đến căn cứ buộc tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn" vì cô Dung đã không gửi quy chế chi tiêu nội bộ cho Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phê duyệt.

Một giáo viên từng là cán bộ công tác trong cơ quan giáo dục bình luận như sau:

"Quy chế chi tiêu nội bộ được Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên giao cho kế toán (bộ phận tài vụ đơn vị) chủ trì phối hợp với một số bộ phận chuyên môn xây dựng, trình giám đốc cho ý kiến, sau đó được thông qua, biểu quyết tại hội nghị công nhân viên chức đơn vị. Quy chế chi tiêu nội bộ gửi cho Kho bạc Nhà nước cấp huyện để theo dõi, kiểm soát chi. Quy chế chi tiêu nội bộ không phải nộp cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Khi thực hiện bất cứ khoản chi gì thì bộ phận có liên quan lập danh sách, định mức gửi kế toán đơn vị thẩm định. Sau đó kế toán đơn vị trình giám đốc kí. Tiếp theo, kế toán đơn vị gửi Kho bạc Nhà nước cấp huyện thẩm định, cho phép chi thì đơn vị mới thực hiện chi.

Hằng năm, Trung tâm Giáo dục thường xuyên được Phòng Tài chính huyện duyệt quyết toán. Nếu để xảy ra sai phạm, đơn vị này cùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Quy chế chi tiêu nội bộ trong các cơ sở giáo dục - đào tạo được quan tâm sau vụ án cô giáo Lê Thị Dung xảy ra tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

Một giáo viên khác đặt câu hỏi: "Có quy định bằng văn bản yêu cầu phải gửi quy chế chi tiêu nội bộ cho Sở Giáo dục và Đào tạo không?"

Vấn đề thắc mắc này được làm rõ. Thực tế, không có quy định nào về việc các đơn vị sự nghiệp có thu phải gửi quy chế chi tiêu nội bộ cho sở giáo dục và đào tạo địa phương.

Thầy giáo L.T.T, nguyên giáo viên bậc trung học phổ thông ở Bình Phước nêu băn khoăn rằng, tại sao không có quy định về việc gửi quy chế chi tiêu nội bộ cho Sở Giáo dục và Đào tạo mà Tòa án huyện Hưng Nguyên lại buộc tội cô giáo Lê Thị Dung về việc này?

Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An lại không có ý kiến gì để minh bạch và tháo gỡ, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho giáo viên của mình?

Như thế là thiếu trách nhiệm hay có gì khuất tất ở đây?

Nguyên tắc tài chính - quy chế chi tiêu nội bộ trong đơn vị sự nghiệp có thu

Liên quan đến vụ án này (cáo buộc chi 2 lần cho một khoản thanh toán), một tiến sĩ luật học khẳng định trên truyền thông: "Nếu tiền chuyên môn, tiền quản lý được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị thì việc bị cáo Lê Thị Dung kê khai theo quy chế này là không sai quy định. Đây là phần tiền thu nhập tăng thêm của đơn vị sự nghiệp công có thu".

Và vị tiến sĩ này cảnh báo: "Nếu hiểu như các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hưng Nguyên thì người quản lý các đơn vị sự nghiệp có thu gồm các trường đại học, các trung tâm giáo dục, cơ sở đào tạo… đều rất có thể bị xử lý hình sự".

Như vậy, toàn bộ vụ án cô giáo Lê Thị Dung nổi lên một "nút thắt" là chi tiết phải gửi hay không phải gửi quy chế chi tiêu nội bộ cho Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phê duyệt. Điều này xác nhận lại việc bị cáo có "lợi dụng chức vụ quyền hạn" hay không.

Theo lời khai tại phiên tòa sơ thẩm, cô giáo Lê Thị Dung không nhận tội vì cho rằng quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, dân chủ, áp dụng chung cho cả cơ quan, được gửi lên Phòng Tài chính huyện và Kho bạc Nhà nước Hưng Nguyên để báo cáo, kiểm soát chi.

Với ý kiến của những người trong cuộc nắm chắc và hiểu rõ quy định như cán bộ về hưu của ngành giáo dục hay vị tiến sĩ luật, có thể nhận định rằng, cô giáo Lê Thị Dung không phạm tội "lợi dụng".

"Không thể khép vào tội danh này đồng nghĩa với việc bản án dành cho cô giáo Lê Thị Dung không còn căn cứ buộc tội" - thầy giáo L.T.T nêu nhận định.

Mặc dù vậy, công chúng dù có bất bình đến đâu cũng chỉ là biểu hiện của niềm khao khát công bằng xã hội sẽ được thiết lập bởi công lý và pháp luật được thực thi bởi sự công tâm.

"Bởi thế, tôi nghĩ, chính quyền Nghệ An đứng trước một cơ hội tốt để nhận định thấu đáo sự việc, làm cho đúng sai sáng tỏ, xây dựng hình ảnh công quyền minh bạch trong mắt nhân dân. Nhiều công dân chờ đợi phương án xử lý tiếp theo về vụ án cô giáo Lê Thị Dung" - thầy giáo L.T.T bình luận.

Ngày 1/10/2012, cô giáo Lê Thị Dung được giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, nhiệm kỳ từ năm 2012 đến năm 2017.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là trường thuộc hạng 5 theo thông tư số 48 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và là loại hình đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ theo nghị định 43 năm 2006.

Cô giáo Lê Thị Dung bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 28/3.

Ngày 24/4, Toàn án nhân dân huyện Hưng Nguyên tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung mức án 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ; buộc bị cáo này phải nộp lại số tiền gần 45 triệu đồng cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

Bà Dung đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên.

Tác giả: Phan Anh

Nguồn tin: congdankhuyenhoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP