Và, với cách vào cuộc, xử lý về vướng mắc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng tại Khu A, KCN Nam Cấm (thuộc Ban quản lý KKT Đông Nam) như vậy trong thời gian qua của các cấp, ngành địa phương đã khiến nhiều nhà đầu tư vào khu vực này “tiến thoái lưỡng nan”, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất, kinh doanh.
Thiếu quyết liệt trong điều hành, xử lý vướng mắc liên quan đến đất đai tại Khu A, KCN Nam Cấm đang khiến nhiều nhà đầu tư vào khu vực này “tiến thoái lưỡng nan” |
Trên thông…. dưới tắc
Trong một số văn bản phát đi các kiến nghị của đại diện nhiều nhà đầu tư gửi ngành chức năng đều nêu thực trạng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến bàn giao mặt bằng để triển khai hoàn thiện dự án của mình đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư gần 10 năm qua.
Những kiến nghị của doanh nghiệp khi vào đầu tư tại Khu A, KCN Nam Cấm đến nay vẫn bị “treo” ở các văn bản, giấy tờ chứ chưa được cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cụ thể hoá bằng hành động và trách nhiệm của mình đối với nhà đầu tư.
Điệp khúc “chờ đợi” của họ đến thời điểm hiện nay chưa biết bao giờ chốt được thời gian kết thúc dù đã phải bỏ ra số tiền hàng tỷ đồng cho nhà nước để được vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rồi rơi vào trạng thái dở dang suốt nhiều năm qua.
Để xử lý tình trạng này, nhiều cuộc họp được tổ chức dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp, ngành trực thuộc phải phối hợp thực hiện nhưng sự việc sau đó vẫn rơi vào vòng loanh quanh, luẩn quẩn.
Ngay tại thông báo Kết luận số 619 ngày 29/10/2021 của ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tại Hội nghị giao ban với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các hội doanh nghiệp, doanh nhân tháng 10/2021 cũng giao nhiệm vụ cho UBND huyện Nghi Lộc chủ trì, phối hợp với Ban quản lý KKT Đông Nam tập trung thực hiện, xử lý dứt điểm vụ việc tại Khu A, KCN Nam Cấm trong năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức.
Nghĩa là, liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích đất còn lại chưa được giao “đất sạch” cho nhà đầu tư phải giải quyết dứt điểm trong năm 2021, Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay đã gần hết quý II năm 2022, khi được hỏi, đại diện ngành chức năng tỉnh Nghệ An vẫn chưa chốt được phương án nào cả.
“Vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại Khu A trên diện tích đã giao đất cho các nhà đầu tư, còn một phần diện tích 61,4ha do người dân tái lấn chiếm sản xuất nông nghiệp, để giải quyết vướng mắc này liên quan đến nhiều cấp, ngành địa phương...” – văn bản trả lời báo chí do phòng TNMT thuộc Ban quản lý KKT Đông Nam nêu.
Việc triển khai chưa quyết liệt trong vấn đề xử lý sự việc tại Khu A, KCN Nam Cấm kéo dài đã phát sinh thêm nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư của tỉnh Nghệ An |
Chưa bố trí được nguồn vốn?
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, Ban quản lý KKT Đông Nam được UBND tỉnh Nghệ An đã BTGPMB tại Khu A, KCN Nam Cấm, Ban này đã tiến hành cho Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An (Công ty hạ tầng Nghệ An) thuê đất từ năm 2009 với diện tích 90,83ha.
Chính vì vậy, Công ty hạ tầng Nghệ An cũng là đơn vị đầu mối trực tiếp cho các doanh nghiệp thuê lại đất tại Khu A, KCN Nam Cấm.
“Vừa rồi đích thân chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh họp triển khai các ngành đặc biệt giao cho huyện Nghi Lộc. Cái này vướng mắc do dân ở Nghi Lộc tái lấn chiếm nên thời kỳ khi anh Đường (ông Nguyễn Xuân Đường – PV) đang làm chủ tịch tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ cho người dân mỗi 1m2 là 59 ngàn 500 đồng nữa nhưng dân họ cứ đòi cho được 100 ngàn đồng. Huyện Nghi Lộc cũng đã tính toán, họp với người dân nhưng họ vẫn không đồng ý” - ông Đinh Văn Quang, Giám đốc Công ty hạ tầng Nghệ An cho biết.
Cũng theo đại diện Công ty hạ tầng Nghệ An thì hiện nay để giải quyết vấn đề nói trên cần phải có nguồn vốn khoảng 80 tỷ đồng để triển khai công tác BTGPMB và xây dựng hạ tầng các hạng mục liên quan.
Giám đốc Công ty hạ tầng Nghệ An thông tin rằng, chỉ riêng về nguồn tiền khoảng hơn 39 tỷ đồng để thực hiện BTGPMB tại Khu A, KCN Nam Cấm nhưng vừa rồi trình Sở Tài chính trả lời không có. Công ty hạ tầng Nghệ An hiện nay đang là doanh nghiệp nhà nước nên còn phải phụ thuộc chứ không thể chủ động quyết định mọi việc.
Đại diện Phòng Kế hoạch và Đầu tư (Ban quản lý KKT Đông Nam) cho biết: Hiện nay, một số dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Khu A, KCN Nam Cấm do vướng mắc trong công tác GPMB dẫn tới chậm tiến độ thực hiện dự án, khiến hiệu quả của nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Ngoài ra, công tác GPMB vướng mắc kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư của KKT Đông Nam nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: Diễn đàn Doanh nghiệp