Ngày 18/4, gia đình đã tổ chức mai táng cho em N.T.Y.N (17 tuổi, là học sinh lớp 10A15, Trường THPT chuyên - Đại học Vinh, Nghệ An), sau 3 ngày phát hiện em tự tử.
Gia đình đã tổ chức tang lễ cho em N. |
Căn nhà khang trang nay phủ kín không khí tang thương. Được biết, em N. là chị cả trong nhà có 3 chị em, bố mẹ đều là công chức nhà nước. Em N. học giỏi, ngoan ngoãn, thi đỗ vào trường chuyên có tiếng của tỉnh Nghệ An. Vì vậy, tất cả mọi người đều bàng hoàng, sững sờ và không thể tin nổi thiếu nữ đang ở độ tuổi đẹp nhất nay đã không còn nữa.
Nữ sinh này vừa đón sinh nhật cách đây 1 tháng. |
Chị P.P. (dì của nữ sinh N.T.Y.N) đau xót cho biết: "Cháu N. vừa đón sinh nhật tuổi 17 vào hồi tháng 3/2023 vừa qua. Con bé xinh đẹp, thông minh, khéo tay hay làm, vui vẻ và hài hước, vừa mới khoe với cả nhà là được học bổng do đạt học lực giỏi học kỳ 1, trong kỳ đầu tiên của lớp 10. Vậy mà…".
Với điều kiện gia đình và khả năng học tập xuất sắc của nữ sinh này, ai cũng nghĩ rằng tương lai của em sẽ rất sáng lạng. Thế nhưng, chỉ vì những mâu thuẫn trong lớp, em bị bạn bè cô lập, thậm chí bị bạo lực học đường với nhiều hình thức, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực.
Người thân cung cấp nhiều tin nhắn trò chuyện giữa 2 mẹ con trước khi em N. tự tử. Theo đó, trong trò chuyện với mẹ, em N.T.Y.N. nhiều lần tâm sự "chán, không muốn đi học nữa".
Sau khi phát hiện sự việc, người mẹ của em N. đã 2 lần lên gặp Ban Giám hiệu nhà trường để phản ánh việc con gái bị bạo lực học đường, bị cô lập, đồng thờivxin chuyển lớp cho con gái. Trong đó, một lần chị gặp trực tiếp Hiệu trưởng, lần còn lại Hiệu trưởng đi vắng, chị phản ánh tới giáo viên dạy giáo dục quốc phòng.
Cũng theo phụ huynh em N., gần đây nữ sinh này còn bị nhóm học sinh kia rủ nhau chặn đường để đánh. Người mẹ đã phải đến tận trường đón con gái nên chưa có việc gì xảy ra. Sau vụ việc lần đó, chị đã điện thoại phản ánh trực tiếp cho cô giáo chủ nhiệm...
Được ít buổi, cô giáo cho em N. ngồi một chỗ khác, tách với nhóm bạn kia nên em cảm thấy bình thường. Tuy nhiên, đến tiết cô chủ nhiệm lại bắt em N. và các em đang bị cô lập đến ngồi chung với nhóm bạn kia. "Học răng nổi. Con rành buồn ạ", em N. nhắn tin tâm sự với mẹ, đồng thời tự chụp bức ảnh em đang khóc để gửi cho mẹ.
Do không thể chịu nổi, cho đến tối 15/4, nhân lúc bố mẹ vắng nhà, nữ sinh này đã mua dây thừng rồi vào phòng, khóa kín cửa và treo cổ tự tử.
Liên quan đến việc này, ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên - Đại học Vinh thừa nhận, hồi học kỳ 1, em N.T.Y.N. một mình lên gặp ông để xin chuyển lớp nhưng không nói em bị cô lập, bị bạo lực học đường, mà nói lý do chuyển là có quen một giáo viên lớp bên cạnh nên xin chuyển qua đó.
Người mẹ sau đó cũng đến gặp ông đề xuất xin chuyển lớp. Nhưng vì N. là học sinh "chất lượng cao", nên trường không thể đáp ứng nhu cầu ngay.
Vị hiệu trưởng giải thích thêm, lớp 10 hiện nay đang thực hiện chương trình THPT mới, nhất là chương trình chất lượng cao học 2 buổi/ngày. Ở trong chương trình có nhiều phân nhánh khác nhau để cho các em lựa chọn học.
Ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên - Đại học Vinh giải thích việc không chuyển lớp. |
Khi đang học chương trình THPT mới này không chuyển ngay được vì đang liên quan đến các môn học, trong chương trình mới các môn học của các lớp khác nhau, chuyển giữa kỳ thì điểm của lớp này với lớp kia là khác nhau.
Vị hiệu trưởng nói thêm, hệ chất lượng cao có sự phân hóa các lớp, các mức độ khác, điểm thi đầu vào em N. phân vào lớp A15 tức là lớp thứ 3, nếu xin chuyển lên lớp thứ 1, thứ 2 thì phải chứng minh được kết quả học tập. "Tôi có phân tích cho em N. là về phấn đấu học tập, nếu kết quả tốt nhà trường sẽ tạo điều kiện cho em chuyển lớp", vị hiệu trưởng nói.
Cũng theo ông Phạm Xuân Chung, từ đầu năm học tới nay, có 3 trường hợp học sinh khối 10 cùng phụ huynh đạt nguyện vọng xin chuyển lớp. Thầy Hiệu trưởng đã phân tích tương tự và phụ huynh, học sinh đồng ý với phương án của thầy.
Tác giả: Văn Nguyễn
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam