Ngày 2/8, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp cho biết, UBND huyện đã yêu cầu Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ báo cáo về các vấn đề liên quan vụ sụt lún ở xã Châu Hồng sau khi đơn vị này báo cáo kết quả 2 tháng khảo sát, thăm dò tìm nguyên nhân.
“Huyện không chấp nhận kết quả khảo sát của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ. Kết quả đó chưa thuyết phục. Huyện đã yêu cầu Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ phải xây dựng kế hoạch chi tiết, báo cáo lại trước ngày 10/8”, ông Lợi nói.
"Hố tử thần" liên tiếp xuất hiện ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp |
Trước đó vào sáng 1/8, UBND huyện Qùy Hợp đã tổ chức cuộc họp để nghe Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ báo cáo kết quả khảo sát, xác định nguyên nhân gây sụt lún ở xã Châu Hồng.
Tại cuộc họp, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ cho biết, đã xác định được 6 nguyên nhân dẫn đến thực trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, giếng nước khô cạn tại xã Châu Hồng và vùng lân cận.
Nguyên nhân được đưa ra là do địa hình, địa mạo tại các xã này khá phức tạp dẫn đến chế độ thủy văn nước mặt và nước ngầm bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do cấu trúc địa chất có nhiều hang động cát tơ, nhiều hang đá trầm tích bở rời hệ đệ tứ, tạo nên lớp chứa nước không áp lực.
Cùng với đó điều kiện thời tiết biến đổi bất thường đã tác động mạnh mẽ của tầng chứa nước áp lực trong đới karst đã phá vỡ lớp sét cách nước nên dẫn đến sụt lún đất, nứt nẻ nhà cửa.
Hàng trăm ngôi nhà bị nứt nẻ |
“Những nguyên nhân mà họ đưa ra đều là yếu tố tự nhiên, đã biết từ lâu rồi. Chúng tôi cần là nguyên nhân dẫn đến tụt nước ngầm do đâu, tác động từ cái gì, có hay không doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây nên. Liên đoàn địa chất phải nêu cụ thể, chi tiết”, ông Lợi nói.
Cũng theo ông Lợi, việc yêu cầu Liên đoàn địa chất báo cáo lại không phải là chuyện "làm khó", nhưng kết quả báo cáo là cơ sở để huyện còn đưa ra giải pháp lâu dài và ổn định, đồng thời để trả lời cho người dân và báo cáo cấp trên.
Trước đó, huyện Quỳ Hợp đã ký hợp đồng thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ khảo sát, điều tra nguyên nhân gây ra sụt lún, giếng nước khô cạn trên địa bàn xã Châu Hồng. Hợp đồng thuê có kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Liên quan đến sự việc, một lãnh đạo Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ cho biết, suốt 3 tháng qua, đơn vị đã khoan 13 mũi khoan. Kết quả không phát hiện dấu hiệu bất thường. Trong quá trình khoan thăm dò điều tra, một số mỏ khoáng sản xung quanh không hoạt động. Do đó, quá trình điều tra đặc điểm địa chất, thủy văn tại khu vực đó, không có quan hệ mật thiết. Không xác định được dấu hiệu liên quan tới các mỏ khoáng sản. Không có số liệu khoa học nên không dám chỉ ra đơn vị nào trực tiếp gây ra nguyên nhân.
“Chúng tôi cũng đã báo cáo với Sở Tài nguyên và môi trường là không thể đưa ra kết luận vì không có cơ sở số liệu. Không thể kết luận một cách hồ đồ. Không chỉ được đích danh cho ai là thủ phạm”, vị này nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung trực tiếp có mặt tại xã Châu Hồng chỉ đạo, xử lý |
Thực trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà cửa của người dân Châu Hồng bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2020, ở diện tích đất ruộng lúa.
Đầu năm 2022 đến nay, hiện tượng này lan rộng đến nhà ở của các hộ dân, cơ quan, trường học, gây các hậu quả nghiêm trọng như mất đất sản xuất, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, đe dọa tính mạng người dân và gây hư hỏng một số công trình, nhà cửa.
Theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, đến nay đã có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 249 nhà dân bị nứt nẻ. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do doanh nghiệp khai thác quặng làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.
Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, cho biết kể từ khi công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang ngừng việc bơm hút nước ngầm ở mỏ quặng Thung Lùn, từ cuối tháng 5 đến nay, không còn có thêm nhà nào bị nứt nẻ, sụt lún. Trong khi, toàn bộ 299 giếng của người dân trước đó cạn trơ đáy, nay cũng đã có nước trở lại.
Tác giả: Thu Hiền
Nguồn tin: Báo Tiền Phong