Sau đợt lũ lụt từ ngày 29/8 - 1/9, UBND huyện Con Cuông có văn bản báo cáo tình hình thiệt hại và việc khắc phục gửi đến các cơ quan có thẩm quyền với tên gọi: “Báo cáo thiệt hại do xả lũ từ các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố và Nậm Mô”.
Thủy điện Nậm Mô xả lũ trong ngày 26/8/2019 |
Đặt ra câu hỏi: Căn cứ vào đâu UBND huyện Con Cuông khẳng định nguyên nhân “do xả lũ từ các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố và Nậm Mô”? Theo ông Lô Xuân Thao, PCT UBND huyện, đợt lũ lụt vừa qua là một nghịch lý, chỉ xảy ra sau khi trên dòng sông Lam có hệ thống các nhà máy thủy điện.
Ông Thao nói: “Trời thì nắng chang chang mà lại có lũ lụt, cùng thời điểm này, các nhà máy thủy điện xả lũ thì nguyên nhân là do các nhà máy thủy điện chứ khó cho là có nguyên nhân nào khác. Ở đâu thì tôi không rõ, nhưng cán bộ, nhân dân huyện Con Cuông đều xác định lũ lụt lớn thế này là do các nhà máy thủy điện xả lũ”.
Ông Thao phân tích, mùa mưa những năm trước ở các huyện núi cao cũng có những trận mưa lớn kéo dài, nước thượng nguồn về nhiều, nhưng dòng chảy của sông Lam thông suốt nên nước dâng chậm, cường lực dòng chảy không lớn nên ít tạo ra những tác động xấu. Còn hiện nay, do thủy điện ngăn dòng, khi có nước thượng nguồn về nhiều thì phải thực hiện xả lũ, lại xả với cường độ rất lớn.
“Lưu lượng nước xả về hạ lưu lớn, cường lực mạnh đã làm cho mực nước trên sông Lam dâng cao gây sạt lở đất 2 bên bờ sông Lam, gây ngập lụt trên diện rộng, phá hủy các công trình hạ tầng kinh tế kỹ thuật thiết yếu, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân…” - ông Thao trao đổi.
Với UBND huyện Tương Dương, sau đợt lũ lụt cuối tháng 8/2018 đã quy lỗi cho các nhà máy thủy điện mà theo địa phương là đã không thực hiện đúng quy định của Chính phủ được ban hành tại Quyết định số 2125/QĐ-TTg ngày 1/12/2015 về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả. Đó là, sau cơn bão số 4, thủy điện Bản Vẽ tích nước với cao trình 199,91m, cao hơn mực nước quy định là 7,4m (từ lúc 23 giờ 15 phút ngày 29/7/2018 đến ngày 31/8/2018).
Thủy điện Khe Bố xả chậm với lưu lượng ít hơn tổng lưu lượng của 2 thủy điện Bản Vẽ và thủy điện Bản Ang xả về, gây ngập cao trình tại các xã Xá Lượng, Thạch Giám, Tam Quang, Tam Thái và thị trấn Hòa Bình. Công tác cảnh báo lũ qua trạm quan trắc của thủy điện Bản Vẽ rất hạn chế. Hiện nay chỉ có 1 trạm quan trắc đặt tại xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), cách đập thủy điện khoảng 60km. Bởi vậy, không đủ thời gian để xử lý khi có lũ từ thượng nguồn về. Với thủy điện Khe Bố, không có trạm quan trắc kể cả thượng lưu và hạ lưu. Bên cạnh đó, các lòng hồ thủy điện theo từng năm đã bị bồi lắng, nhất là đối với lòng hồ của thủy điện Khe Bố. Do đó, việc duy trì mực nước cao trình như hiện tại đã không còn phù hợp.
Đặt ra câu hỏi thị trấn Mường Xén bị lũ lụt trong đợt hoàn lưu bão số 4 có tác động từ thủy điện hay không? Theo ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng NN-PTNT, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kỳ Sơn thì có tác động. Ông Trường cho biết, trên địa bàn có 5 nhà máy thủy điện đang hoạt động, gồm: thủy điện Ca Nan 1, Ca Nan 2, Nậm Mô, Nậm Cắn và Bản Cánh. Trong đó, thủy điện Nậm Mô xây đập chắn trên dòng Nậm Mộ, trên thị trấn chỉ gần 3km. Ngày 17/8/2018, hồi 8h sáng, thủy điện Nậm Mô báo cho Ban qua điện thoại, thông báo sẽ xả lũ cường độ 1.200m3/s. Hơn 1h đồng hồ sau đó, thị trấn Mường Xén bị ngập lụt. Ông Trường nói: “Nhà máy xả lũ với cường độ lớn mà chỉ báo trước 1h đồng hồ thì làm sao cán bộ, nhân dân thị trấn Mường Xén có sự chuẩn bị. Làm sao kịp thời ứng phó lũ lụt…”.
Về việc thị trấn Mường Xén bị lũ lụt, ông Nguyễn Thanh Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, sáng hôm đó (ngày 17/8 – PV) ông đang cùng Bí thư Huyện ủy Vi Hòe từ TP Vinh ngược lên Kỳ Sơn. Khoảng 8h sáng, khi đến địa bàn huyện Con Cuông thì nhận được điện thoại của Nhà máy thủy điện Nậm Mô thông báo sẽ xả lũ. Ông Hoàng đã nói ngay với Bí thư Huyện ủy, tình hình này thị trấn Mường Xén nguy rồi. Đang có mưa lớn, nước ở hạ du dâng cao, thêm thủy điện xả lũ với cường độ lớn làm sao tránh khỏi ngập lụt. Đến 9h30, thị trấn Mường Xén bị ngập…
Chỉ trong thời gian chưa đầy nửa tháng, các huyện Tây Nghệ An trên tuyến Quốc lộ 7 đã hai lần phải chịu thảm họa lũ lụt. Lũ lụt vùng núi cao là một nghịch cảnh. Qua những trận lũ lụt tháng 8/2018, cần phải nhận thấy rằng thủy điện đã “góp phần” gây nên những thiệt hại to lớn không chỉ đối với người dân mà cả với tài sản công; bên cạnh đó, còn tạo ra những băn khoăn, lo lắng trong nhân dân, cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, cần nhìn vào thực tế để có đánh giá chính xác; nghiên cứu xem xét những đề xuất của các huyện trực tiếp bị lũ lụt; để từ đó, có những giải pháp triệt tiêu được hệ lụy! |
Tác giả: Nhật Lân
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam