Ấn Độ đang bùng phát các ca mắc COVID-19 mới dù là một trong những nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Ảnh: AFP |
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - cảnh báo, năm thứ hai của đại dịch COVID-19 nguy hiểm hơn nhiều năm đầu tiên, đồng thời kêu gọi các quốc gia giúp thúc đẩy chương trình vaccine COVID-19 của COVAX.
RT đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 14.5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã nêu ra những lo ngại của WHO về việc chậm triển khai chương trình tiêm chủng, khi các nước giàu tăng liều để tiêm chủng cho dân số của họ, thay vì đảm bảo rằng các nhóm nguy cơ ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn được bảo vệ.
Ông Tedros tuyên bố: “Chúng tôi nhận thấy năm thứ hai của đại dịch này gây chết người nhiều hơn so với năm đầu tiên”, đồng thời tiếp tục thúc giục các nước xem xét lại việc tiêm chủng cho các thành viên trẻ hơn trong dân số của họ và “thay vào đó hãy tặng vaccine cho COVAX".
WHO chỉ trích những chính phủ tập trung vào việc đạt được 100% việc tiêm chủng trong nước, thay vì làm việc hướng tới nỗ lực toàn cầu để giải quyết đại dịch.
Tổng giám đốc WHO thừa nhận rằng ông hiểu lý do các quốc gia có thể muốn áp dụng phương pháp ưu tiên trong nước, song ông kêu gọi các chính phủ giải quyết tình trạng cung ứng vaccine thấp ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp - nơi thậm chí chưa đủ liều lượng để tiêm chủng đầy đủ cho nhân viên y tế.
Chương trình COVAX là một dự án quốc tế do WHO, Ủy ban Châu Âu và Pháp phát động, nhằm giúp đảm bảo việc tiếp cận vaccine COVID-19 nhanh chóng, công bằng và bình đẳng đối với người dân ở tất cả các quốc gia, đặc biệt là những người ở các quốc gia kém may mắn. Kể từ khi thành lập, chương trình đã gửi 59 triệu liều vaccine COVID-19 đến 122 quốc gia tham gia.
Nhận xét mới nhất từ người đứng đầu WHO được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Ấn Độ, có thể gây ra sự gia tăng đột biến trên toàn cầu về số ca bệnh, vì nó dường như dễ lây lan hơn so với chủng ban đầu.
Mặc dù không có bằng chứng nào được báo cáo cho thấy biến thể Ấn Độ kháng các loại vaccine COVID-19 đang được sử dụng, các quan chức y tế đã bày tỏ lo ngại rằng nó có thể lây lan nhanh chóng ở các quốc gia tiêm chủng chậm hoặc tỉ lệ tiêm thấp hơn.