Kinh tế

Xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ tăng trưởng cao

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 1,568 tỷ USD tăng 111% so với 743,19 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Ngành dệt may Việt Nam thu hút sự quan tâm đầu tư của các DN sản xuất nguyên phụ liệu dệt may của Ấn Độ

Trong đó, tính riêng tháng 3/2018, xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ đạt 637,63 triệu USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2017 (289,90 triệu USD), và tăng 32,5% so với tháng 2/2018.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ về Việt Nam trong quý 1/2018 đạt 1,04 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 3/2018 nhập khẩu từ Ấn Độ tăng khá cao, ở mức 369,88 triệu USD, tăng 45,7% so với tháng 2/2018.

Một số mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ có kim ngạch tăng trưởng mạnh gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; sản phẩm từ sắt thép; than đá; sản phẩm mây, tre, cói và thảm. Xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt, trong quý I/2018 đạt 200 triệu USD, tăng 99,70%.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tăng không đáng kể so với cùng kỳ, một số ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao gồm quặng và khoáng sản khác tăng 187,9%; Chất dẻo nguyên liệu tăng 153,8%; Linh kiện phụ tùng ô tô tăng 146,7%; Giấy các loại tăng 106,6%. Một số ngành hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn đã không còn giữ được tốc độ tăng trưởng như năm trước, ngoại trừ nhập khẩu bông vẫn đạt 154,63 triệu USD tăng 37,4%.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam đánh giá Ấn Độ là một trong 10 đối tác giao thương lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt 7,5 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2017, Ấn Độ có 168 dự án với 756,29 triệu USD, xếp thứ 27 trong 126 quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Dự báo đến năm 2020, kim ngạch giao thương hai nước đạt 15 tỷ USD với các lĩnh vực chủ yếu là sản xuất điện, y tế và dược phẩm, công nghệ thông tin, hóa chất, máy công cụ.

Để thực hiện mục tiêu này, DN hai nước sẽ tiếp tục chú trọng đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu hai bên có tiềm năng và thế mạnh; hạn chế các rào cản thương mại, tham vấn chặt chẽ về chính sách thương mại, mở rộng kết nối hàng không, hàng hải để tạo thuận lợi cho giao thương...

Tác giả: Thanh Thanh

Nguồn tin: Báo Công Thương Điện Tử

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP