Du lịch

Ý nghĩa bất ngờ ít ai biết của tên gọi tỉnh Nghệ An

Vua nhà Lý đã đặt ra tên gọi Nghệ An với một thông điệp giàu ý nghĩa gửi gắm đến vùng biên cương phía Nam nước Việt thuở ấy.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TP Vinh, Nghệ An.

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Nghệ An là vùng đất nổi tiếng với tinh thần hiếu học và truyền thống yêu nước bất khuất. Tên gọi Nghệ An đã có lịch sử hình thành gần 1.000 năm.

Khu đền thờ vua Mai Hắc Đế ở Nam Đàn, Nghệ An.

Ngược dòng lịch sử, vùng đất Nghệ An xưa vốn là một trong 15 bộ của nước Văn Lang, mang tên Hoài Hoan. Thời Bắc thuộc, vùng này mang tên Hàm Hoan, sau đổi thành Hoan Châu. Danh xưng Hoan Châu được lưu lại qua các thời Ngô, Đinh, Tiền Lê.

Sông Lam, dòng sông biểu tượng của Nghệ An.

Đến thời Lý, vào năm 1030 (có tài liệu ghi là năm 1029), vua Lý Thái Tông đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An. Danh xưng Nghệ An chính thức xuất hiện trên mảnh đất Việt Nam từ ngày đó.

Đền thờ Ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên, Nghệ An.

Trong các pho sử cũ, cái tên Nghệ An được ghi bằng hai chữ 乂安. Trong đó Nghệ (乂) nghĩa là “cai trị” còn An (安) nghĩa là “yên ổn”.

Đền Cuông ở Diễn Châu, Nghệ An.

Có thể hiểu, vua nhà Lý đặt tên Nghệ An với hàm ý “cai trị cho yên ổn”, vì khi đó Nghệ An chính là vùng biên cương phía Nam nước Việt.

Cầu đá Trung Thành ở Yên Thành, Nghệ An.

Vùng Nghệ An vào thời Lý gồm cả tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ. Nơi này ban đầu được gọi là Nghệ An châu trại, sau đó thì đổi thành trại Nghệ An, Nghệ An phủ, Nghệ An thừa tuyên, trấn Nghệ An...

Di tích thành cổ Nghệ An ở thành phố Vinh.

Năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng, trấn Nghệ An được tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong dân gian, hai tỉnh này vẫn được gọi chung là xứ Nghệ.

Khung cảnh thôn quê ở huyện Nam Đàn.

Đến năm 1976, hai tỉnh lại hợp thành tỉnh Nghệ Tĩnh rồi đến năm 1991 lại tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh cho đến ngày nay.

Quảng trường Bình Minh ở thị xã Cửa Lò.

Với diện tích 16.490 km2, Nghệ An là tỉnh lớn nhất trên bản đồ hành chính Việt Nam ngày nay. Điểm đến thu hút du khách hàng đầu ở địa phương này là bãi biển Cửa Lò và các di tích lịch sử về cuộc đời, sự nghiệp Bác Hồ ở Nam Đàn, quê hương của Người.

Tác giả: T.B (tổng hợp)

Nguồn tin: Tri thức & Cuộc sống

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP