Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 1/8, nhiều câu hỏi đã được báo chí đặt ra về tính hợp pháp trong hoạt động của Zalo.
Ảnh: TTXVN. |
Theo đó, Zalo chỉ được cấp phép dịch vụ OTT nhưng lại hoạt động như một mạng xã hội. Cơ quan chức năng đã đề nghị thu hồi hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me nhưng sau đó lại tiếp tục gia hạn cho 2 tên miền này. Phải chăng có sự ưu ái cho Zalo trong quá trình thực thi pháp luật?
Trả lời vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử (PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT) cho biết, quan điểm chung của Bộ TT&TT là các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chúng tôi đang đấu tranh quyết liệt đối với các nền tảng cung cấp dịch vụ Internet xuyên biên giới khi vào Việt Nam, mọi vụ việc đều phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, ông Lê Quang Tự Do nói.
Về trường hợp Zalo, theo vị lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT, Zalo ngay từ khi phát triển là một ứng dụng tin nhắn OTT, không cần phải cấp phép.
Sau khi hoạt động một thời gian, Zalo phát triển thêm nhiều tính năng khác và trở thành một siêu ứng dụng, trong đó có tính năng mạng xã hội. Tính năng mạng xã hội này của Zalo mới đầu chỉ thử nghiệm và giới hạn trong phạm vi những người sử dụng Zalo.
Thời gian gần đây, qua theo dõi, Bộ TT&TT cùng với Sở TT&TT TP.HCM phát hiện, Zalo đã cung cấp tính năng mạng xã hội mở rộng và đúng nghĩa là một mạng xã hội.
"Chúng tôi đã lập biên bản, xử phạt hành chính và yêu cầu Zalo phải xin cấp phép", ông Lê Quang Tự Do nói.
Quan điểm của Bộ TT&TT là phải thực hiện xử phạt nghiêm minh nhưng cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để phát triển.
Với áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp công nghệ trong nước đang gặp khó khăn trước các đối thủ nước ngoài.
Do vây, Bộ TT&TT đã cho Zalo một khoảng thời gian để đơn vị này hoàn tất các thủ tục nộp hồ sơ xin cấp phép. Hiện Zalo đã nộp hồ sơ xin cấp phép mạng xã hội lên Bộ TT&TT.
Trước lo ngại về việc đơn vị sở hữu Zalo đang chịu ảnh hưởng của một nhà đầu tư Trung Quốc, ông Lê Quang Tự Do cho biết, theo báo cáo của công ty VNG (đơn vị sở hữu Zalo), công ty này có cổ phần nước ngoài. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và đã được VNG công bố công khai trong các báo cáo tài chính.
Vị lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT khẳng định, nếu vấn đề sở hữu nước ngoài của VNG có yếu tố nhạy cảm, Bộ TT&TT luôn phối hợp cùng Bộ Công an để theo dõi, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Tác giả: Trọng Đạt
Nguồn tin: Báo VietNamNet