Kinh tế

Boeing và Airbus chật vật tìm cách sống sót

Trong khi Boeing ngừng sản xuất các loại máy bay thân rộng, Airbus cắt giảm số lượng lớn nhân viên và duy trì sản xuất ở mức thấp.

Theo Reuters, trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng, hãng Moody's cắt giảm mạnh triển vọng của ngành hàng không. Trước đó, OAG cho biết lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu giảm 35% trong tuần trước, mức tồi tệ nhất kể từ khi dịch bệnh tàn phá ngành hàng không thế giới.

Nhiều công ty sản xuất máy bay cũng đang lao đao. Mới đây, nhà sản xuất máy bay Boeing lần thứ hai dừng các dây chuyền lắp ráp chính, một năm sau khi dòng máy bay 737 Max bị đình chỉ trên toàn thế giới.

Theo đó, dây chuyền sản xuất các máy bay phản lực đường dài như Boeing 787 và 777 tại Washington sẽ phải tạm dừng 14 ngày kể từ ngày 25/2.

Ngành hàng không thế giới đang lao đao vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, CEO Airbus Guillaume Faury kêu gọi chính phủ các nước hỗ trợ các hãng hàng không và công ty sản xuất máy bay để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Khi ngành hàng không Mỹ ngày càng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng, giới chức nước này đang xem xét gói trợ cấp 58 tỷ USD cho các hãng bay để trang trải chi phí tiền lương nhân viên và duy trì hoạt động.

Trong khi đó, Embraer SA, nhà sản xuất máy bay lớn thứ 3 thế giới có trụ sở tại Brazil, cho biết sẽ điều chỉnh lại bộ máy nhân sự không cần thiết trong tuần này. Một nguồn tin cho biết công ty đang đình chỉ hoạt động sản xuất máy bay thương mại tại Canada.

Trong một lá thư gửi Quốc hội Mỹ hôm 23/3, Hiệp hội Công nhân Cơ khí và Vũ trụ Quốc tế cho biết hơn 500.000 công nhân làm việc trong các công ty sản xuất hàng không vũ trụ sẽ chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi cứu trợ từ chính phủ, bao gồm hỗ trợ thất nghiệp.

Nhiều hãng hàng không đang chật vật tìm chỗ "đắp chiếu" máy bay khi nhu cầu đi lại giảm sút. Ảnh: Today Online.

Trước tình hình khó khăn của toàn ngành, nhà sản xuất động cơ GE cho biết sẽ cắt giảm khoảng 10% lượng lao động. Đơn vị này tuyển dụng khoảng 52.000 nhân công trên toàn thế giới vào năm 2019, một nửa trong số họ làm việc tại Mỹ.

Trong khi đó, Trung tâm Đào tạo Hàng không CAE Inc cũng tạm thời đóng cửa 3 trung tâm, sa thải 465 nhân viên, đồng thời cắt giảm lương của khối điều hành để tiết kiệm chi phí.

Nhà sản xuất động cơ máy bay Đức MTU Aero Engines cũng dừng hoạt động sản xuất tại một số nhà máy ở châu Âu trong vòng 3 tuần.

Tác giả: Hương Giang

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP