Tin trong tỉnh

Chưa mất bò đã... “no” làm chuồng (!!)

Tục ngữ có câu “Mất bò mới lo làm chuồng” để phê phán những người không biết tính toán dự liệu tương lai, đến lúc xảy ra chuyện thì hối hận không kịp. Nay ở Nghệ An có một số cán bộ tính toán, dự liệu “hơn người” nên chưa mất bò đã được no đủ nhờ… làm chuồng cho bò.

Câu chuyện “cái nghèo đi lạc nhà quan” ở Thanh Hoá còn chưa bớt nóng thì mới đây ở tỉnh láng giềng Nghệ An lại có chuyện “biệt thự đi lạc chuồng bò”. Cụ thể, bò ở một huyện nghèo của tỉnh này được ở “căn nhà” trị giá đến 236 triệu đồng.

Một công trình dùng để che mưa che nắng cho bò mà có giá trị tới 236 triệu đồng thì nên gọi là chuồng hay là nhà? Tôi gọi là nhà, mặc dù nếu so với những cái chuồng bò phổ biến trên cả nước thì công trình này thậm chí xứng đáng được gọi là “biệt thự” hay “biệt phủ” cho bò.

Cần thiết phải so sánh rằng, đến nhà tình nghĩa hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ có công của ta hiện nay cũng chỉ có giá trị tối đa 40 triệu đồng/hộ, cho diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, (căn cứ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 04 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”).

Mới đây, đoàn viên một ngân hàng có văn phòng giao dịch tại Quảng Bình đã xây căn nhà tình nghĩa rộng 60m2 cho một hộ nghèo ở tỉnh này với giá trị chỉ có 50 triệu đồng.

Trước đó, hồi tháng 3/2020, ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Đà Nẵng phối hợp với hội Phụ nữ xã Hoà Châu (huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) hỗ trợ tiền xây mới căn nhà tình nghĩa cho một hộ nghèo với tổng trị giá chỉ 70 triệu đồng, từ nguồn ngân sách và một số nguồn lực xã hội khác.

Các hộ dân sinh sống trong ngôi nhà dột nát trong khi đó những con bò lại được ở “biệt thự” hàng trăm triệu đồng.

Thi thoảng chúng ta đọc được trên báo những tin tức doanh nghiệp làm từ thiện bằng cách xây nhà tình nghĩa cho mẹ Việt Nam anh hùng, cho người nghèo, giá trị cao nhất cũng chỉ 150 đến 200 triệu đồng là cùng.

Thế mà bò ở Nghệ An lại được ở căn nhà có diện tích gần 30m2 (kích thước 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m) với giá trị gấp gần 6 lần giá trị nhà ở tối thiểu cho người nghèo, theo tiêu chuẩn hiện hành.

Những con bò này cũng sống ở huyện nghèo miền núi Tương Dương, là một trong 3 huyện nghèo của Nghệ An, có diện tích đất tự nhiên (phần lớn là rừng) lớn nhất cả nước nên thường xuyên nhận được các chương trình hỗ trợ phát triển của Chính phủ như chương trình 135, chương trình 134, chương trình 30a…

Mới đây nhất, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 27, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra chiều hôm 8/7, huyện này còn hạ quyết tâm thoát nghèo vào năm 2025.

Thế nhưng, không rõ vì lý do gì cán bộ huyện lại cho bò thoát nghèo trước người, ở “biệt thự” bê tông khang trang có rèm cuốn. Trong bức ảnh được báo chí phản ánh, chuồng bò khang trang kiên cố đặt bên cạnh căn nhà mái rạ đơn sơ của chủ bò đã cho thấy một sự khiên cưỡng khó tả.

Đó là chưa kể, huyện này chi tiền mua bò giống hơn 5 tỷ đồng nhưng lại chi tới 12,6 tỷ đồng để xây chuồng. Thật là “một tiền gà ba tiền thóc”.

Liên quan đến vụ việc này, hiện Công an tỉnh Nghệ An đang mở rộng điều tra xung quanh thông tin báo chí phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện "Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu" của ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

Được biết, đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng (trong đó ngân sách TW là 108 tỷ đồng và 12 tỷ là ngân sách đối ứng của địa phương). Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu bền vững; tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.

Điều đáng nói, khi dư luận lên tiếng cho rằng, việc xây dựng chuồng bò như trên đối với đồng bào người Ơ Đu là chưa cần thiết, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, thì ông Đặng Xuân Quyền - Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (sở NN&PTNT Nghệ An, đơn vị thẩm định thiết kế và dự toán) “thanh minh” trên báo VietnamNet rằng: Việc thẩm định giá dự án được thực hiện theo quy định của Nhà nước, đơn giá thống nhất chung của cả tỉnh.

Xin thưa với ông Quyền rằng, với giá thành 236 triệu đồng trên một diện tích 4,5x6,7m thì kết quả cho ra là 7,8 triệu đồng/m2 xây dựng. Nếu ông chịu khó tìm kiếm trên mạng thì sẽ thấy hàng loạt công ty đang chào hàng giá xây dựng nhà phố mới nhất năm 2020 chỉ dao động từ 5,3 triệu đồng đến 5,8 triệu đồng/m2 sàn đối với những mẫu nhà phố thông thường, có điều kiện thi công tốt.

Được biết, tối 21/7, Công an Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, và ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng ông Kim Văn Bốn (cán bộ phòng chính sách ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) để điều tra về tội tham ô tài sản trong quá trình thực hiện đề án trên.

Tiếp đó, tối 23/7, Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Nghệ An khám xét phòng làm việc của ông Nguyễn Tâm Long (46 tuổi) - quyền Trưởng phòng Chính sách thuộc ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

Hai ông này được cho là có liên quan đến vụ "đưa nhầm" 231 người dân tộc Thái và Khơ Mú thành người Ơ Đu ở bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương để hưởng chế độ chính sách của dự án với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Các ông dự liệu hơn người, cứ tưởng phen này cho bò thoát nghèo và cho mình no đủ “no” đủ vì làm chuồng, ai dè…

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tác giả: Hoàng Yến

Nguồn tin: Doisongphapluat.com

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP