Số hóa

Có gì bên trong mã QR cá nhân của người dân?

Ngày 11/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, mỗi người dân sẽ được cung cấp một mã QR duy nhất và có thể dùng chung trên các ứng dụng, nền tảng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong tài liệu yêu cầu kỹ thuật, Bộ TT&TT cho biết mỗi mã QR cá nhân có định dạng là một chuỗi các ký tự có cấu trúc. Cụ thể như sau:

Cấu trúc: SoGiayTo|HoTen|NgaySinh|LoaiDinhDanh|QID|EXT

Trong đó:

- SoGiayTo: Số giấy tờ cá nhân của người dân (số CCCD, CMND, số hộ chiếu). Trên các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ hiển thị số giấy tờ cá nhân ở hai chế độ gồm chế độ hiển thị mặc định (số giấy tờ cá nhân ẩn bớt 6 ký tự đầu tiên bằng cách thay thế bằng ký tự dấu sao) và chế độ hiển thị đầy đủ (hiển thị đầy đủ số giấy tờ cá nhân). Các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 sẽ có chức năng để người dùng có thể lựa chọn chuyển đổi nhanh các chế độ hiển thị nói trên.

Mỗi người dân sẽ được cung cấp một mã QR duy nhất.

- HoTen: Họ và tên người dân, viết hoa, không dấu, mỗi từ cách nhau bởi một ký tự khoảng trắng.

- NgaySinh: Chuỗi ngày tháng năm sinh theo định dạng YYYY-MM-DD. Các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19, cũng hỗ trợ hiển thị chuỗi ngày tháng năm sinh ở hai chế độ gồm chế độ hiển thị mặc định và chế độ hiển thị đầy đủ.

- LoaiDinhDanh: Loại định danh gồm các giá trị quy ước là 0 (Người dùng tự khai) hoặc 1 (Người dùng khai hộ).

- QID: Mã người dùng do nền tảng QRQG cấp, kiểu dữ liệu là chuỗi ký tự.

- EXT: Các giá trị mở rộng khác như QID của người khai hộ (trong trường hợp là mã QR cá nhân có được bởi người dùng khai hộ), Giới tính, Mã số thẻ BHYT, Số điện thoại, Chữ ký điện tử… và các thông tin khác theo nhu cầu thực tiễn.

Trong tài liệu yêu cầu kỹ thuật, Bộ TT&TT cũng đưa ra mô hình cung cấp và quản lý mã QR cá nhân trên các nền tảng. Việc trao đổi dữ liệu giữa các thành phần trong mô hình được thực hiện thông qua các phương thức đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.

Mỗi người dân khai báo thông tin trên các nền tảng, ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được nền tảng QRQG xác thực. Nếu thông tin người dân khai báo là chính xác, thông tin đó sẽ được cập nhật vào nền tảng. Nếu thông tin không chính xác, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 thông báo để người dân biết, cập nhật thông tin khai báo.

Việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng sẽ tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân.

Trong thời gian tới, nhiều tỉnh, thành phố sẽ nới lỏng giãn cách và đưa một bộ phận nhất định trong xã hội hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Theo Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia, để trạng thái bình thường mới này được duy trì ổn định và an toàn, việc triển khai áp dụng các biện pháp công nghệ, cụ thể là giải pháp quét mã QR sẽ mang tính cốt lõi.

Khi đó, người dân ra đường, đến các điểm công cộng, nơi tập trung đông người sẽ phải quét mã QR. Công sở, doanh nghiệp, cửa hàng, các nơi cung cấp dịch vụ... khi mở cửa phải đảm bảo việc giám sát ra vào bằng mã QR.

Việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng sẽ tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch Covid-19. Người dân có thể lựa chọn cài đặt, sử dụng nền tảng, ứng dụng có cung cấp mã QR cá nhân phù hợp với nhu cầu và không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau.

Tác giả: Thế Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP