Xã hội

Đề xuất tiêm thuốc triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em đối với "yêu râu xanh"

Trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ và các bộ, ngành về việc thực hiện chính sách phòng, chống xâm hại trẻ em vào chiều 15/1, Đại biểu Quốc hội đề nghị tiêm thuốc cho các đối tượng để triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đã trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo đó, giai đoạn từ đầu 2015 đến giữa năm 2019, toàn quốc phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em, với gần 8.600 đối tượng xâm hại và số trẻ em bị xâm hại là gần 8.100 em. Trong đó, số trẻ em nữ bị xâm hại gấp 7 lần số trẻ em nam (1.059 em nam và 7.032 em nữ). Nhưng đây không phải con số cuối cùng. Còn nhiều vụ đã xảy ra nhưng chưa bị phát hiện, xử lý.

Năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến. Riêng 6 tháng đầu năm này đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018.

Theo báo cáo của Chính phủ, đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21,3%, bạo lực đối với trẻ em chiếm gần 66%.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy tại buổi giám sát (Ảnh: PLO).

“Lẽ ra nhà trường và gia đình là môi trường an toàn nhất cho trẻ. Song vấn đề mới và nổi lên trong giai đoạn này là việc nhiều trẻ em bị người ruột thịt, người thân trong gia đình, bị thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho các em. Điều này đặt ra cho Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan phải có giải pháp phòng ngừa phù hợp với tình hình mới”, bà Thủy nhấn mạnh.

Theo báo cáo của tổ giúp việc, các cơ quan đã phát hiện, xử lý gần 1.200 vụ vi phạm hành chính về xâm hại trẻ em, trung bình mỗi năm 261 vụ, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước.

Để giải quyết vấn đề nhức nhối này, báo Tiền Phong dẫn ý kiến của ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, trên thực tế, vấn đề này có có sự tham gia của cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ công an...

Đại biểu Khánh đề nghị tăng chế tài xử phạt và cần ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bà Khánh nêu: “Ở các nước người ta phát triển những loại thuốc, khi tiêm cho những kẻ bệnh hoạn sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tôi nghĩ chúng ta cũng làm được, tôi đề nghị giao cho bộ Y tế và Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam nghiên cứu. Chúng ta chỉ xử lý hai, ba trường hợp là xã hội yên ổn ngay”.

Ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 80 về việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường.

Nghị định 80 có nhiều giải pháp trực tiếp nhằm khắc phục tình trạng này như việc xảy ra tại Thanh Sơn (Phú Thọ), Bảo Yên (Lào Cai) liên quan đến phẩm chất đạo đức nhà giáo. Bộ đã tăng cường nhiều cuộc vận động, giáo dục cho đội ngũ giáo viên để bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí, giữ được phẩm chất đạo đức nhà giáo.

Tác giả: Mộc Miên (T/H)

Nguồn tin: Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP