Kinh tế

Nghệ An xử phạt hàng ngàn cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Từ năm 2016 đến năm 2018, qua thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành với tổng số 64.894 cơ sở; trong đó, số cơ sở đạt 51.428, số cơ sở bị nhắc nhở 7.600; số cơ sở xử phạt bổ sung 708 cơ sở và số cơ sở xử lý vi phạm hành chính 1.866 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 2,8 tỷ đồng.

Chiều 23/8, tại phiên họp thường kỳ, UBND tỉnh đã nghe cho ý kiến và thông qua Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025”. Ảnh: Thành Duy

Theo Sở Y tế đơn vị soạn thảo, việc ban hành Đề án là thực sự cần thiết. Vì trên toàn tỉnh có gần 35.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống (ngành Y tế quản lý 6.210 cơ sở; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 12.000 cơ sở và ngành Công Thương quản lý 16.600 cơ sở).

Trong đó, 3.519 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 18.133 cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; 29.629 cá nhân được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; 228 sản phẩm công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; 98 sản phẩm công bố hợp quy và 235 sản phẩm tự công bố.

Nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có quy mô lớn đang chiếm tỷ lệ thấp nhưng đã chấp hành tương đối đầy đủ các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngược lại, các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình chiếm tỷ lệ đa số và chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm hoặc chưa được quản lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa phát biểu ý kiến, đồng tình với phương án tài chính để thực hiện Đề án. Ảnh: Thành Duy

Từ năm 2016 đến năm 2018, toàn tỉnh tổ chức 4.317 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành với tổng số 64.894 cơ sở; trong đó, số cơ sở đạt 51.428, số cơ sở bị nhắc nhở 7.600 cơ sở; số cơ sở xử phạt bổ sung 708 cơ sở và số cơ sở xử lý vi phạm hành chính 1.866 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 2,8 tỷ đồng.

Cũng giai đoạn trên, tỉnh triển khai hoạt động giám sát mối nguy về an toàn thực phẩm với tổng số mẫu là 3.211 mẫu, có 3.024 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học, 187 mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm, kịp thời cảnh báo và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường, thị trấn đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm kiểm soát tốt hơn, toàn diện hơn chất lượng an toàn thực phẩm phù hợp với các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Đề án cũng đề ra 9 nhóm mục tiêu, trong đó giảm tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm được ghi nhận xuống còn dưới 6 trường hợp trên 100.000 dân.

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại các quầy hàng ở lễ hội. Ảnh: Thành Chung

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án hơn 87,5 tỷ đồng thông qua lồng ghép các nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số; Nguồn ngân sách nhà nước của địa phương bao gồm: Nguồn sự nghiệp hàng năm của các ngành, nguồn thu từ xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm, nguồn kinh phí bổ sung thực hiện Đề án và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Sau khi nghe các ý kiến, UBND tỉnh thống nhất thông qua Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025”.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là vấn đề lớn liên quan đến sức khỏe nhân dân, tương lai con em; qua đó đề nghị các cấp, ngành liên quan phải tập trung triển khai hiệu quả Đề án.

Tác giả: Thành Duy

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP