Kinh tế

Phát triển công nghiệp ở Nghệ An: Thách thức và triển vọng

Là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp, những năm vừa qua, Nghệ An tập trung các nguồn lực, cơ chế phát triển lĩnh vực này. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nền công nghiệp Nghệ An đã mở ra nhiều triển vọng “hóa rồng”.

Nhà máy chế biến thực phẩm của Công ty Masan tại khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc). Ảnh: TNA

Nhiều khó khăn, thách thức

Về nguồn nhân lực, Nghệ An dồi dào về số lượng nhưng không đồng đều về chất lượng, thiếu vắng nguồn nhân lực chất lượng cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp (năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 59%, trong đó đào tạo nghề 53,1%).

Một bộ phận không nhỏ lao động chưa có tác phong công nghiệp, trình độ tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu của DN (doanh nghiệp). Thực trạng phát triển DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn còn yếu kém, số lượng DN CNHT chỉ chiếm tỉ trọng xấp xỉ 0,3% cuối năm 2017.

Công nghiệp chế biến các sản phẩm công nghệ cao chưa phát triển ở Nghệ An. Các ngành nghề chủ yếu vẫn là khai khoáng, gia công, xuất khẩu vật liệu thô; chưa hình thành được các trung tâm công nghiệp công nghệ cao, có sức thu hút lớn đối với giới đầu tư cũng như nguồn lực lao động chất lượng cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa cho biết, khó khăn của công nghiệp địa phương là nền tảng dịch vụ logistic còn hạn chế, kìm hãm sự phát triển của nhiều DN. Đây là lĩnh vực mà địa phương sẽ tập trung các cơ chế để khuyến khích phát triển.

Quy mô DN Nghệ An chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Hiện nay, tỉnh có 18.559 doanh nghiệp đăng ký, quy mô vốn đăng ký bình quân chỉ đạt 5,01 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tình trạng nợ đọng thuế, bảo hiểm xã hội đang diễn biến phức tạp, thu nhập bình quân của người lao động còn thấp, chưa đảm bảo mức sống trung bình và có tích lũy.

Nghệ An đang đẩy mạnh đầu tư nhiệt điện và thủy điện. Tổng công suất các dự án thủy điện và nhiệt điện đang chuẩn bị đầu tư trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2030 khoảng 3.100 MW, với nhu cầu vốn cho các dự án này khoảng trên 5 tỷ USD, đây là một thách thức lớn đối với nhu cầu vốn cho các dự án phát triển thủy điện, nhiệt điện của tỉnh.

Triển vọng thành trung tâm công nghiệp khu vực

Nghệ An có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp. Tỉnh có diện tích 16.448km2, dân số hơn 3.1 triệu người (độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên có gần 1,9 triệu người, chiếm 62%); có 1 thành phố , 3 thị xã và 17 huyện; với 480 xã, phường và thị trấn; là đầu mối trung tâm của vùng, nằm trên trục giao thông chính nối liền Bắc - Nam, có hệ thống giao thông phát triển, đường bộ, đường sắt xuyên quốc gia.

Hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, tạo tiền đề tốt cho các ngành công nghiệp khai khoáng, khai thác và chế biến lâm sản, hải sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

Phát huy tiềm năng, lợi thế, trong giai đoạn 2010- 2017 cơ cấu kinh tế của tỉnh đã dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp- xây dựng, tăng từ 29,89% vào năm 2010 lên 32,3% năm 2017. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh là các sản phẩm khai khoáng (đá xây dựng), chế biến (nông, thủy sản chế biến, đồ uống, thực phẩm...), hàng may mặc, giấy bao bì, vật liệu xây dựng, phân bón...

Sản phẩm của ngành cơ khí Nghệ An gồm máy công nghiệp lắp ráp, máy điều hòa không khí lắp ráp, máy chế biến nông lâm nông lâm sản, phôi thép, kết cấu thép-ống thép, tôn màu, phụ tùng, linh kiện cơ khí, sửa chữa bảo hành ôtô, xe máy...

9 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp Nghệ An tăng 17,34% so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,33% so với cùng kỳ. Ximăng đạt 3.237,7 nghìn tấn, tăng 82,41%; tôn ước đạt 565,3 nghìn tấn, tăng 67,50% so với cùng kỳ; Bột đá đạt 458,6 nghìn tấn, tăng 50,59%; thép cán nóng đạt 6,4 nghìn tấn, tăng 45,02%; sữa chua đạt 24,3 nghìn tấn, tăng 41,60%; đường đạt 98,1 nghìn tấn, tăng 38,14%; sữa tươi đạt 129,2 triệu lít, tăng 21,06%…

Tác giả: QUANG ĐẠI - HOÀNG CHINH

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP