Trong nước

Quốc hội sẽ bãi nhiệm tư cách đại biểu của ông Phạm Phú Quốc

Việc bãi nhiệm tư cách đại biểu của ông Phạm Phú Quốc được đưa vào chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thông tin trên, khi trả lời VnExpress sáng 17/9. Theo ông, Ban công tác đại biểu đã báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc đại biểu Phạm Phú Quốc có thêm một quốc tịch.

"Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Ban công tác đại biểu hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc vào kỳ họp thứ 10, khai mạc trong tháng sau", ông Phúc nói.

Ông Quốc là đại biểu Quốc hội thứ hai của khóa 14 có hai quốc tịch. Hồi đầu nhiệm kỳ, Hội đồng bầu cử quốc gia đã không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do có hai quốc tịch (vi phạm điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam).

Ông Phúc nói, bà Nguyệt Hường ứng cử đầu nhiệm kỳ, có thể chưa biết quy định này. Tuy nhiên, ông Phạm Phú Quốc đã biết bà Hường không được công nhận tư cách đại biểu vì liên quan đến quốc tịch. Hơn nữa, ông cũng là đại biểu tham gia xây dựng luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), thông qua vào tháng 6 vừa qua, trong đó quy định đại biểu chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

"Anh rất am hiểu luật pháp nhưng vẫn vi phạm. Sau khi có quốc tịch thứ 2, đại biểu không hề báo cáo với Quốc hội. Đây là lỗi nặng, cần xử lý nghiêm túc, bãi nhiệm (theo điều 40, Luật Tổ chức Quốc hội) chứ không thể cho thôi nhiệm vụ", ông Phúc nói thêm.

Đại biểu Phạm Phú Quốc. Ảnh: Hoàng Phong

Cuối tháng 8, ông Phạm Phú Quốc gửi đơn xin thôi Đại biểu Quốc hội, thôi chức Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), sau khi lộ thông tin ông có 2 quốc tịch, gồm Việt Nam và Cyprus.

Trước đó, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Đại biểu Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cyprus.

Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị; từng giữ các chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.

Ngày 4/12/2019, ông Quốc được UBND TP HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ông Quốc trúng cử đại biểu Quốc hội lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 4, gồm các quận 5, 10, 11 (TP HCM).

Hiến pháp quy định "Công dân nước CHXHCN VN là người có quốc tịch Việt Nam". Điều 4, Luật quốc tịch Việt Nam nêu "Nhà nước CHXHCN VN công nhận công dân VN có một quốc tịch là quốc tịch VN, trừ trường hợp Luật này có quy định khác".

Theo điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Còn "cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội" là Quốc hội hoặc Thường vụ Quốc hội (trong thời gian Quốc hội không họp) chấp nhận đề nghị từ phía đại biểu. Đại biểu có thể xin thôi làm nhiệm vụ vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác.

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP