Xã hội

15 ngày cao điểm Tết, CSGT xử lý hơn 100 nghìn vi phạm giao thông

Từ ngày 15-28/12, CSGT toàn quốc xử lý hơn 100 nghìn vi phạm giao thông, phạt tiền 100 tỷ đồng, tước gần 12 nghìn GPLX, tạm giữ gần 17 nghìn xe.

Đội Tuần tra kiểm soát cao tốc đường bộ số 3, Cục CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Ngày 30/12, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin: Qua công tác TTKS, xử lý vi phạm, từ ngày 15/12 đến ngày 28/12, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 101.085 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền 99 tỷ 884,15 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX 11.917 trường hợp; tạm giữ 937 ô tô, 15.923 mô tô. So với cùng thời gian trước khi thực hiện cao điểm, xử lý tăng 49.545 trường hợp, tiền phạt tăng 43 tỷ 032,15 triệu đồng.

"Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung lực lượng, chủ động đẩy mạnh các biện pháp công tác. Sau 15 ngày đầu ra quân, đã đạt được nhiều kết quả tích cực", lãnh đạo Cục CSGT nhìn nhận.

Theo đó, chỉ tính riêng trên lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 97.312 trường hợp vi phạm, phạt tiền 93 tỷ 690 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX 11.917 trường hợp; tạm giữ 937 ô tô, 15.923 mô tô.

Các Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc đã xử lý 1.290 trường hợp trên các tuyến cao tốc, phạt tiền 3 tỷ 695,5 triệu đồng, tước GPLX 657 trường hợp, tạm giữ 64 phương tiện.

Đáng chú ý, đã xử lý 8.301 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, có tới 2.426 trường hợp tài xế vi phạm ở mức cao nhất và 166 trường hợp không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. So với cùng thời gian trước khi thực hiện cao điểm tăng 2.103 trường hợp.

Một số địa phương xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn như: TP Hồ Chí Minh: 1.196 trường hợp, Hà Nội: 539, Cà Mau: 443, Tây Ninh: 426, Bắc Giang: 412, Đăk Lắk: 337, Ninh Bình: 273, Phú Thọ: 237, Nghệ An: 223, Yên Bái: 221…

Qua công tác TTKS, xử lý vi phạm, CSGT cả nước cũng đã phát hiện, xử lý 65 trường hợp người điều khiển phương tiện trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. So với cùng thời gian trước khi thực hiện cao điểm tăng 42 trường hợp.

Trên lĩnh vực giao thông đường sắt, các Đội thuộc Cục đã phát hiện, lập biên bản xử lý 3 trường hợp nhân viên lên ban vi phạm quy định về nồng độ cồn, phạt tiền 9,75 triệu đồng. Trên lĩnh vực giao thông đường thủy, đã xử lý 2.350 trường hợp, phạt tiền 2 tỷ 324 triệu đồng.

Lãnh đạo Cục CSGT thông tin thêm, Cục đã chỉ đạo tăng cường xử lý đua xe trái phép và xe vi phạm chở quá tải trọng. Theo đó, lực lượng CSGT toàn quốc ngoài tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý đua xe trái phép; xe vi phạm chở quá tải trọng còn được yêu cầu nâng cao quy trình, chế độ công tác, lễ tiết tác phong, văn hóa ứng xử và điều lệnh Công an nhân dân trong khi trong hoạt động TTKS...

Về công tác phòng chống đua xe trái phép, Cục CSGT yêu cầu Công an các tỉnh, thành phố đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về phòng, chống đua xe trái phép, từ khâu điều tra, nắm bắt tình hình, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, trang thiết bị phương tiện, trách nhiệm của các đơn vị. Trên cơ sở đó, bổ sung vào kế hoạch, phương án bố trí lực lượng, phương tiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn, không để tình trạng tụ tập đua xe trái phép, chạy xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng tiếp tục tái diễn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng CSGT chủ động phối hợp với các lực lượng Cảnh sát khác thực hiện tốt công tác nghiệp vụ ngay tại địa bàn cơ sở, nắm chắc thông tin trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…), hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tụ tập, điều khiển xe chạy tốc độ cao, nẹt pô, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, không để bị động bất ngờ.

Khi xảy ra vụ việc tụ tập đông người đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, phải huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ, … để ngăn chặn ngay từ đầu; trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm và tuyên truyền trên thông tin đại chúng để răn đe và phòng ngừa, giáo dục chung.

Để chấn chỉnh tình trạng xe chở quá tải trọng gây bức xúc trong dư luận, lực lượng CSGT cần chủ động nắm tình hình, xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải trọng trên tuyến, địa bàn quản lý, nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; khai thác tối đa thiết bị cân tải trọng xách tay được trang cấp, tập trung kiểm soát trên tuyến đường ra vào mỏ đá, cát, bến bãi, khu vực các công trình đang xây dựng, các tuyến quốc lộ trọng điểm; xử lý nghiêm theo quy định đối với các phương tiện tự ý hoán cải, thay đổi kết cấu phương tiện để chở quá tải trọng cho phép; khi xử lý phải sử dụng camera ghi lại hình ảnh các phương tiện vi phạm và yêu cầu chủ phương tiện hạ tải theo quy định; đồng thời, lập danh sách gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam để cảnh báo, kiểm tra chặt chẽ trước khi kiểm định.

Tác giả: Văn Huế

Nguồn tin: atgt.vn

  Từ khóa: 15 ngày cao điểm Tết , CSGT

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP