|
Tháng 5/2018 này, hai ông bà vừa vinh dự được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. 70 năm, sánh vai “đồng chí” cũng là quãng thời gian họ bên nhau trọn nghĩa phu thê. Hiện tại, dù tuổi đã cao, con cháu đề huề, ông bà vẫn chọn cuộc sống riêng với nhau ở căn phòng cũ thuộc khu tập thể B5 Quang Trung, thành phố Vinh.
|
Hỏi về tình yêu không tuổi của ông bà, thoạt tiên họ chỉ nhìn nhau cười, vẻ như đó là câu chuyện không dành cho lớp người cũ; là có bao nhiêu ngôn từ hoa mỹ thì có lẽ không cần thiết khi họ đã có gần 70 năm gắn bó với nhau đến thế.
Câu chuyện tình yêu của cả hai, là đơn giản như bao thanh niên trong làng quê ngày ấy khi cùng lớn lên, cùng tham gia cách mạng…
Người chứng kiến và kết nối cho họ, có chăng là dòng sông Lam, chạy qua làng Tổng Phù Long – Hưng Lam – Hưng Nguyên – quê “chung” của hai ông bà. Câu chuyện tình yêu của họ, còn là chuyện về một người bạn của anh trai, lỡ yêu cô em gái duy nhất của gia đình…
|
Và tình yêu của họ, cũng chứa đựng trải nghiệm lịch sử một thời của đất nước, bởi giữa hai người một khoảng cách, ở hai giai cấp khác nhau. Tuổi thơ bé, Phạm Mạnh Cương lớn lên trong gia đình nông dân nghèo; ngược lại, Trần Thị Ngân lại được coi là con nhà gia thế “cành vàng lá ngọc”: “Ngày nhỏ, gia đình tôi có 5 anh em và tôi là con gái duy nhất có bố tôi từng làm lý trưởng, gia đình sống trong một ngôi nhà gỗ 5 gian, ruộng vườn rộng đến hơn 4 mẫu, nhiều trâu, nhiều bò. Chỉ có điều, sau này vì các anh lớn đều ra Vinh học và hàng tháng đều phải gửi tiền nên cuộc sống cũng không dễ dàng. Bố tôi, một thời gian vì ham mê cờ bạc nên của nả trong nhà cũng bán dần và sau này thì bị tịch thu”.
Điều đặc biệt, những năm ấy, dù được quy là thuộc tầng lớp địa chủ, cường hào, nhưng chị em của bà Ngân lại sớm giác ngộ và theo cách mạng. 18 tuổi bà đã được kết nạp vào Đảng khi đang giữ chức vụ Ủy viên chấp hành phụ nữ xã… Đây cũng là năm ông Cương vinh dự được là đảng viên sau khi tham gia vào quân ngũ. Năm 1951, hai năm sau sự kiện đáng nhớ ấy, họ lấy nhau nhân một chuyến ông về phép. Khi đó ông 22 tuổi và bà tròn 20 tuổi.
|
Kết hôn nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trong những năm kháng chiến hầu hết phải biền biệt xa cách. Đó là những ngày ông hành quân đi chiến dịch và bà được điều về Ty Giáo dục Nghệ An rồi được tăng cường ra Hải Phòng làm giáo viên ở trường dành cho con em miền Nam. 9 năm sau ngày cưới, họ mới được đón nhận niềm vui có con đầu lòng.
Đó là một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Niềm vui về những ngày đầu làm bố được người bố trẻ Phạm Mạnh Cương ghi lại trong những cuốn nhật ký của mình: “Quãng đường dài hơn 100 cây số từ Hà Nội về Hải Phòng chỉ chạy 4 tiếng đồng hồ là tới nơi… Hầu như tối thứ 7 nào mình cũng về thăm Ngân, thăm con và chuyến tàu tối thứ 7 vẫn được bạn bè nói đùa là “chuyến tàu hạnh phúc”. Còn mình, thì vẫn nói với bạn: Mình là người tích cực xây dựng cho ngành đường sắt nước nhà. Rất may, mình vừa là bộ đội, vừa là thương binh nên có phiếu ưu đãi khi mua vé tàu.”
Sống trong thời chiến, nên ngày vui cũng “ngắn chẳng tày gang”. Đằng đẵng hơn hai mươi năm sau đó cho đến ngày hòa bình là xa cách, là nhớ nhung.
|
Năm đứa con của ông bà sau này, vì bố mẹ công việc nhiều nên có người mới sinh ra đã phải gửi về quê nhà cho ông bà nội nuôi dưỡng. Nhớ về quãng thời gian này, anh Phạm Mạnh Thăng – người con trai cả của ông bà kể: “Trường mẹ tôi làm việc vì chiến tranh, bom đạn nên sơ tán thường xuyên. 10 năm ở Hải Phòng nhưng có đến 11 lần tôi chuyển trường. Mỗi một lần xê dịch là mẹ tôi lại tay đùm, tay nắm kéo đàn con di chuyển từ nơi này sang nơi khác.”
Thương vợ, thương con, ở nơi xa, những cánh thư là “cầu nối duy nhất” của gia đình. Những lá thư, bao giờ cũng bắt đầu bằng lời thương nhớ “Em và các con thân thương!”. Dạy con như thế nào, ông cũng gửi gắm trong những lá thư: “Sống trong tập thể các con phải biết phát huy sáng kiến, phải cố gắng làm cho bản thân mình thanh thản. Chơi, học cũng phải có giờ, có giấc, có nghỉ thì làm việc mới năng suất, đừng làm thời gian trôi đi lãng phí, vô ích. Bây giờ, thầy đi vắng, mẹ không khỏe, các em cũng yếu, anh cả phải quan tâm đến mọi việc trong gia đình: mua củi, gánh nước, mua gạo…”
|
Hòa bình lập lại, sau hơn hai mươi năm nên nghĩa vợ chồng, lần đầu tiên họ mới có một mái nhà riêng, được về sống chung cùng nhau trong căn hộ nhỏ một gian rưỡi của Khu tập thể B5 – Quang Trung, thành phố Vinh. Chưa bao giờ hàng xóm ở đây nghe thấy một lời nói nặng của hai ông bà. Sau khi nghỉ công tác, bà cũng được tin tưởng giao giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Quang Trung và cả ông và bà đều từng làm bí thư chi bộ của khối… Những đứa con, sinh ra trong chiến tranh với bao khó khăn, xa cách, nhưng luôn vâng lời bố mẹ dạy đều đã lớn lên, trưởng thành làm người tử tế.
|
Sự giản dị, chân thành của ông bà cũng đã làm gương cho con cháu và họ học được nhiều từ cách sống, cách nghĩ của bố mẹ mình. Kể về mẹ chồng, chị Võ Thanh Thảo – con dâu cả của ông bà tâm sự: Mẹ tôi ở bên ngoài là một người phụ nữ mạnh mẽ, hăng hái tham gia công tác xã hội. Nhưng ở nhà bà là một người mẹ, người vợ luôn lặng lẽ quán xuyến, thương chồng, thương các em ở quê và thương con cái hết mực. Ngày chúng tôi lấy nhau, thầy và mẹ chẳng có tiền nên chẳng có gì cho các con. Thế nhưng, sau này, được đồng lương nào mẹ lại tiết kiệm, gom góp mua vàng rồi tặng lại cho từng đứa. Các em ở quê, ngày trước khó khăn, tháng nào mẹ cũng dành dụm một ít mua thực phẩm, mua gạo gửi về, nuôi các em, các cháu khôn lớn, trưởng thành.
|
Hạnh phúc của ông bà còn là bởi dù đã gắn bó 70 năm, nhưng đến giờ họ vẫn là “tri kỷ”. Các con của bà cũng kể, mấy năm trước, khi ngoài 80, ông bà vẫn rủ nhau ra Hải Phòng xem bóng đá vì… quá mê đội bóng Sông Lam Nghệ An. Hôm đội tuyển U23 Việt Nam tham dự Giải bóng đá U23 Châu Á, hai ông bà cũng sắm nắm cờ, hoa, cũng hồi hộp, hò hét… hào hứng như lũ trẻ ở khu tập thể.
Ông bà đang vào tuổi 90, nhưng vẫn hàng ngày cùng nhau đi bộ, cùng nhau tập thể dục, đọc sách, đọc báo và tỷ tê trò chuyện…
Sự an nhiên, cũng là liều thuốc quý để ông bà sống những ngày vui vẻ, hạnh phúc khi tuổi đã về già. Nhắc lại câu chuyện về những năm tháng đã qua, cũng là cách để họ lưu lại những ký ức đẹp đẽ: Dẫu bao khó khăn, gian khổ, dẫu có những mất mát, đau thương… nhưng họ luôn mạnh mẽ vượt qua và trưởng thành, bền bỉ một tình yêu, nghĩa vợ chồng và trọn niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà mình đã cống hiến, hy sinh.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Nghệ An