Pháp luật

Bà “trùm” Xuyên Việt Oil rút hàng chục tỷ đồng tiền thuế để hối lộ những ai?

Viện kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ án Xuyên Việt Oil về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Trong đó, bà “trùm” xăng dầu Mai Thị Hồng Hạnh bị đề nghị truy tố về 2 tội danh là “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị can Hạnh là người đại diện theo pháp luật và là giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil. Hạnh cũng là chủ sở hữu thực sự và nắm quyền quyết định mọi việc tại doanh nghiệp.

Theo cáo buộc, Mai Thị Hồng Hạnh và bị can Nguyễn Thị Như Phương (cấp phó của Hạnh) vi phạm quy định về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) gây thất thoát 219 tỷ đồng.

Mai Thị Hồng Hạnh và đồng phạm Nguyễn Thị Như Phương.


Quỹ BOG là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách thuộc ngân sách công, tài sản công nhưng được để tại các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải trích Quỹ BOG theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Công ty Xuyên Việt Oil là một thương nhân đầu mối, phải mở tài khoản Quỹ BOG tại ngân hàng và thực hiện trích quỹ theo quy định. Quỹ này có mục đích sử dụng duy nhất là bình ổn giá khi giá dầu trên thế giới có biến động, cần điều chỉnh giá trong nước nhằm ổn định thị trường. Pháp luật nghiêm cấm sử dụng số tiền này vào mục đích khác.

Thực tế, bị can Hạnh không chỉ đạo nhân viên trích lập Quỹ BOG theo quy định mà chỉ đạo bị can Nguyễn Thị Như Phương chuyển tiền vào tài khoản cá nhân sử dụng cho các mục đích cá nhân.

Để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, Hạnh chỉ đạo các nhân viên kế toán lập 81 báo cáo tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG theo định kỳ hàng tháng gửi các bộ.

Cựu Bí thư tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ.


Trong báo cáo, số dư đầu kỳ, cuối kỳ, số trích lập, sử dụng trong kỳ đúng với thực tế doanh thu bán hàng. Nhưng số dư này không đúng với số dư thực tế trong tài khoản Quỹ BOG. Kết quả điều tra xác định, bị can Mai Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Thị Như Phương (đồng phạm giúp sức) gây thất thoát 219 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà “trùm” xăng dầu Mai Thị Hồng Hạnh còn vi phạm quy định về thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát 1.244 tỷ đồng.

Cụ thể, theo quy định pháp luật, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, người chịu thuế là người tiêu dùng mua xăng. Khi khách mua hàng trả tiền mua xăng dầu thì đã bao gồm cả tiền thuế này, người bán thu tiền và sẽ nộp thay vào ngân sách Nhà nước.

Như vậy, doanh nghiệp chỉ là người thu hộ tiền thuế và có trách nhiệm quản lý, nộp thay người tiêu dùng khoản tiền này vào ngân sách Nhà nước, chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày nộp tờ khai.

Tuy nhiên, từ tháng 10-2021 đến tháng 7-2022, Công ty Xuyên Việt Oil không thực hiện nộp tiền thuế bảo vệ môi trường theo đúng thời hạn quy định. Hiện công ty này còn phải nộp 1.244 tỷ đồng, chưa tính lãi phạt chậm nộp.

Bị can Mai Thị Hồng Hạnh không thực hiện việc nộp tiền thuế vào ngân sách theo đúng quy định mà chuyển tiền này sang các tài khoản cá nhân để sử dụng cho mục đích riêng.

Cơ quan tố tụng xác định, sau khi thu hộ, Hạnh đã dịch chuyển 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường ra khỏi tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil để hình thành tài sản đứng tên cá nhân hoặc dùng vào mục đích cá nhân khác. Và Hạnh đã sử dụng một phần số tiền này để đưa hối lộ 22 lần với tổng số tiền là hơn 31 tỷ đồng cho 8 cá nhân.

Bị can Đỗ Thắng Hải - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương.


Cụ thể, bị can Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) nhận 50.000 USD, tương đương hơn 1,1 tỷ đồng. Cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ nhận hơn 13 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi hơn 22 tỷ đồng. Tổng cộng, bị can Thọ hưởng lợi bất chính hơn 35 tỷ đồng.

Tiếp đến, bị can Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) nhận hối lộ 5,9 tỷ đồng, trong đó đồng phạm với bị can Trần Duy Đông nhận hối lộ 5,6 tỷ đồng và trực tiếp nhận hối lộ 339 triệu đồng. Bị can Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) đồng phạm với bị can Hoàng Anh Tuấn nhận hối lộ 5,6 tỷ đồng.

Bị can Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục thuế TP.HCM) nhận hơn 4,8 tỷ đồng. Bị can Phan Kiến Anh (cựu Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn) nhận 3,2 tỷ đồng. Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) nhận 921 triệu đồng và Đặng Công Khôi (cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) nhận hối lộ 459 triệu đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, quá trình điều tra vụ án, các bị can này đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác để làm rõ tội phạm. Các bị can đều tự nguyện nộp một phần hoặc toàn bộ số tiền hưởng lợi để khắc phục hậu quả vụ án.

Tác giả: Lâm Vinh

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP