Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới - biểu tượng của sức mạnh kinh tế Mỹ trở thành đống đổ nát sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng |
Hôm nay (11-9), người dân Mỹ sẽ lại cúi đầu tưởng nhớ những nạn nhân của sự kiện khủng bố kinh hoàng và đẫm máu tròn 17 năm trước, cướp đi sinh mạng của khoảng 3.000 người. Không chỉ gây tổn thất sinh mạng sau những cuộc chiến tranh lớn mà Mỹ tham dự, sự kiện khủng bố 11-9-2001 còn làm nước Mỹ tổn thương sâu sắc bởi nó tấn công vào hai biểu tượng sức mạnh của cường quốc này, là tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) - biểu tượng sức mạnh kinh tế Mỹ và Lầu Năm góc - biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ.
Sự kiện khủng bố 11-9-2001 vì thế đi vào lịch sử nước Mỹ như một ngày đau buồn và đen tối nhất, một ngày mà người Mỹ mãi mãi khắc ghi. Vụ khủng bố đẫm máu này đã làm nước Mỹ có những thay đổi sâu sắc và to lớn cả tư duy về vị thế nước Mỹ trên toàn cầu cũng như về các đối tượng, đối tác và cách hành xử quốc tế...
Sau sự kiện khủng bố 11-9, Mỹ đã phát động và dẫn đầu cuộc chiến chống khủng bố nhằm vào mạng lưới khủng bố Al Qaeda của trùm khủng bố Bin Laden, thủ phạm và chủ mưu của vụ tấn công khủng bố. Cuộc chiến tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden và mạng lưới tổ chức Al Qaeda đã khiến nước Mỹ tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và hàng nghìn binh sĩ Mỹ thương vong.
Khi mà cuộc chiến chống mạng lưới Al Qaeda vẫn đang tiếp tục tại Nam Á và Bắc Phi thì một hiểm họa khủng bố mới còn tàn bạo hơn cả Al Qaeda, đó là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. IS nay cũng đã bị mất những vùng rộng lớn tại Syria và Iraq, nhưng đầu não cùng các phần tử của tổ chức khủng bố này vẫn còn tồn tại, bám rễ ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những mầm mống ở châu Âu và nước Mỹ. Ngoài Al Qaeda và IS, hiện còn rất nhiều tổ chức và phần tử khủng bố khác vẫn lăm le trỗi dậy cũng như đe dọa khắp toàn cầu.
Cuộc chiến chống khủng bố “hao người tốn của” đã kéo dài 17 năm kể từ sự kiện khủng bố đẫm máu vào nước Mỹ, song khủng bố vẫn tồn tại dai dẳng, là nỗi ám ánh với người dân Mỹ và thế giới. Đáng lo ngại hơn đòn tấn công của khủng bố không chỉ đến từ các tổ chức khủng bố toàn cầu như IS hay Al Qaeda mà còn có thể xuất phát từ những “con sói đơn độc” ngay trong lòng nước Mỹ với hậu quả không kém nặng nề.
Khủng bố giờ đây không chỉ là các phần tử cầm vũ khí lẩn khuất tại những nơi hẻo lánh xa xôi, chúng đã tận dụng những phương thức công nghệ và truyền thông hiện đại cũng như phổ biến nhất như các mạng xã hội để tuyển dụng, đào tạo… Một nghiên cứu do các trường Đại học Cambridge, Oxford của Anh và Yale của Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ những kẻ khủng bố có thể lợi dụng trí nhân tạo (AI) để thực hiện các cuộc tấn công theo kiểu tự động như gây ra các vụ va chạm ô tô không người lái hay biến các máy bay thương mại không người lái thành những vũ khí tấn công…
Chống khủng bố vì thế không thể chỉ dựa trên sức mạnh quân sự, an ninh đơn phương mà cần phải dựa trên nền tảng hợp tác quốc tế sâu rộng và tôn trọng độc lập, chủ quyền, sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo của các quốc gia cùng luật pháp quốc tế. Chủ nghĩa khủng bố về sâu xa sinh ra từ thù hận, từ tư tưởng cực đoan, mà nguồn gốc chính là sự bất công, phân cực trên thế giới. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp bền vững và lâu dài để xóa bỏ bất công, bình đẳng, đói nghèo… mới có thể xóa bỏ được căn nguyên sinh ra chủ nghĩa khủng bố.
Tác giả: Hoàng Hà
Nguồn tin: anninhthudo.vn