Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc hoàn thiện quy trình tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, khắc phục bất cập không để tái diễn các sai phạm như trong kỳ thi năm 2018.
Quy trình thi THPT quốc gia 2019 sẽ được tăng cường bảo mật hơn |
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, những kết quả đạt được của kỳ thi THPT quốc gia 2018 là quan trọng, cần được ghi nhận. Tuy nhiên, tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là cá biệt nhưng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và đối với những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, nhìn lại 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia bám sát yêu cầu Nghị quyết 29; Kỳ thi THPTQG được tổ chức như hiện nay là phù hợp với điều kiện dạy học, kinh tế - xã hội các địa phương, đảm bảo gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Vì vậy, nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020, đồng thời, là kèm theo điều chỉnh về kĩ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để làm sao kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã đề xuất một số phương hướng thi cho năm 2019 và năm 2020 như sau:
Thứ nhất, rà soát toàn bộ quy trình tổ chức thi, hoàn thiện Quy chế thi và hướng dẫn theo hướng cụ thể, chi tiết hơn; xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia Kỳ thi; cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý với các sai phạm trong Kỳ thi.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề thi đảm bảo phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt hơn mục tiêu của Kỳ thi THPTQG.
Thứ ba, cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi; nhất là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi để hạn chế gian lận, tiêu cực.
Thứ tư, cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu của Kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi; xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình (chẳng hạn tổ chức chấm thi theo cụm).
Thứ năm, chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của Kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát;
Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các Hội đồng thi.
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí