Đê tả Lam ở huyện Đô Lương đi qua địa bàn các xã: Tràng Sơn, Đông Sơn,Lưu Sơn, Đà Sơn, Trung Sơn, Thuận Sơn và thị Trấn. Trong số đó, Đà Sơn, Trung Sơn, Thuận Sơn là 3 xã có đê đi qua khá dài. Các xã còn lại tuy có tuyến đê đi qua ngắn hơn, nhưng nếu căn cứ theo Luật Đê điều lại là những địa phương vi phạm rất nhiều.
Tại xã Lưu Sơn, thị trấn nhiều khu dân cư nằm ngay trên hành lang bảo vệ đê. Theo Luật Đê điều, hành lang bảo vệ đê trong khu dân cư là 5m, ngoài khu dân cư phía sông 20m, phía đồng 25m. Tuy nhiên, có đến trên dưới 100 hộ dân có nhà ở và các công trình xây dựng trên hành lang bảo vệ đê.
Nhà ở, đường điện, cây trồng dày sát trên hành lang đê ở thị Trấn Đô Lương. Ảnh: Nguyễn Long |
Vậy tại sao lại có tình trạng này xảy ra? Qua tìm hiểu tại một số hộ dân và chính quyền địa phương cho biết, trước năm 1978, đê qua các địa phương này nằm ngoài khu vực dân cư. Năm 1978, trận lụt lớn đã làm vỡ đê. Sau đó đê được di chuyển vào khu vực dân cư như: thị Trấn, Lưu Sơn, Đông Sơn, Tràng Sơn, Thuận Sơn. Nhiều hộ dân đã hiến đất cho nhà nước để làm đê. Có nhiều hộ dân tuyến đê đi qua ngay giữa thửa đất gia đình đang ở, nên hiện nay nhà bên này đê và vườn lại ở bên kia đê.
Thực tế cho thấy, các hộ dân này đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi thửa đất của gia đình có từ thời xa xưa cho đến nay. Khi xây dựng tuyến đê, Luật Đê điều chưa được ban hành. Có một số hộ dân chia đất ở cho con trong một mảnh vườn để xây dựng nhà, theo Luật Đê điều thì vi phạm, tuy nhiên việc xử lý lại rất khó khăn, bởi đây là thửa đất của chính gia đình họ. Căn cứ theo Luật Đê điều thì phải di dời, nhưng rất phức tạp bởi liên quan đến đền bù và nhiều vấn đề khác.
Ông Lê Đình Sáu - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Đô Lương cho biết, hiện nay tuyến đê ở Đô Lương và Thanh Chương mặt đê nhỏ, trung bình 3m nên rất cần được mở rộng. Tuy nhiên, muốn được nâng cấp đê thì theo quy định của Cục phòng chống thiên tai, những tuyến đê có mặt đê rộng từ 6m trở lên mới được nâng cấp.
Luật đê điều quy định rõ không được xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Long |
"Để việc bảo vệ hành lang đê được thực hiện tốt, chúng tôi rất mong muốn cơ quan cấp trên có nguồn kinh phí để thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang, di dời các hộ dân đang nằm trên hành lang đê và làm đường hành lang 2 bên để thuận lợi cho việc quản lý đê điều, kiểm tra tuyến hàng ngày... Đề nghị chính quyền địa phương các xã có đê quan tâm hơn nữa trong công tác phối hợp xử lý các vụ vi phạm khi mới phát sinh để hạn chế đe dọa đến an toàn đê" - ông Sáu cho biết thêm,.
Thực trạng các hộ dân ở sát chân đê là một thực tế đã tồn tại 40 năm nay. Muốn thực hiện đúng theo Luật Đê điều năm 2006, để giải phóng hành lang đê nhằm phục vụ tốt công trình phòng chống lụt, tiêu thoát nước phải có đền bù thỏa đáng, bố trí khu tái định cư, nhà ở... đòi hỏi rất tốn kém về nguồn kinh phí. Do vậy rất cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm "do yếu tố lịch sử để lại", bảo vệ đê ở Đô Lương ./.
Tác giả: Nguyễn Long
Nguồn tin: Báo Nghệ An