Uddhav Bhatia, một nhân viên y tế tuyến đầu, chạm vào một con bò sau khi bôi phân bò lên cơ thể, với niềm tin rằng nó sẽ tăng cường khả năng miễn dịch trước COVID-19. Hình ảnh tại một trung tâm trị liệu phân bò ở Ahmedabad (Ấn Độ). Ảnh: Reuters |
Với người Ấn Độ, bò là một biểu tượng thiêng liêng, và trong nhiều thế kỷ, người theo đạo Hindu đã sử dụng phân bò để dọn dẹp nhà cửa vì tin rằng nó có đặc tính trị liệu, sát trùng.
Khi làn sóng COVID-19 thứ hai tấn công Ấn Độ, nhiều tín đồ Hindu đã tìm đến các trung tâm trị liệu bằng phân và nước tiểu với niềm tin rằng các chất thải bò có thể giúp con người tăng cường sức đề kháng.
Gautam Manilal Borisa, phó giám đốc một công ty dược phẩm, cho biết: “Chúng tôi thấy... ngay cả các bác sĩ cũng đến chữa bệnh bằng phân bò. Họ tin rằng liệu pháp này cải thiện khả năng miễn dịch của họ để họ có thể chăm sóc bệnh nhân mà không cảm thấy sợ hãi.”
Borisa tiết lộ chính ông cũng khỏi COVID-19 sau khi chữa bệnh bằng phân bò hồi năm ngoái.
Tín đồ Hindu hì hục bôi hỗn hợp phân bò lên cơ thể. Ảnh: Reuters |
Ảnh: Reuters |
Ảnh: Reuters |
Tại làng Tetoda (Banaskantha, bang Gujarat), một trung tâm chữa trị COVID-19 đã được thiết lập ngay bên trong một trang trại bò.
Ở trung tâm này, ngoài việc điều trị bằng thuốc men thông thường, bệnh nhân COVID-19 còn được trị liệu bằng sữa và nước tiểu bò. Họ cũng được khuyên nên bôi phân bò lên người để đạt hiệu quả cao hơn.
"Chúng tôi chủ yếu sử dụng liệu pháp Panchgavya Ayurved để điều trị cho những bệnh nhân có các triệu chứng COVID-19. Cụ thể, chúng tôi dùng 'gau tirth', được làm từ nước tiểu của bò và các loại thảo mộc khác. Để chữa ho, chúng tôi sử dụng thuốc làm từ nước tiểu bò. Chúng tôi cũng có một loại thuốc tăng cường miễn dịch, 'chawanprash', được điều chế từ sữa bò”, một nhân viên trung tâm nói.
Sau khi bôi phân, người tham gia sẽ được tắm sữa bò. Ảnh: Reuters |
Những người tham gia phương pháp trị liệu này sẽ cùng nhau bôi hỗn hợp phân và nước tiểu bò lên khắp cơ thể. Trong lúc đợi hỗn hợp trên người khô lại, họ có thể tập yoga để tăng cường năng lượng. Sau đó, hỗn hợp phân bò được rửa sạch bằng sữa.
Theo báo cáo của truyền thông địa phương, trung tâm này có 50 giường bệnh, và chỉ còn 10 giường trống.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ Ấn Độ, việc thực hành tự chữa bệnh bằng chất thải bò có thể khiến tình hình dịch bệnh thêm phức tạp.
Quảng Cáo
Bác sĩ JA Jayalal, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Ấn Độ cho biết: “Không có bằng chứng khoa học cụ thể nào cho thấy phân bò hoặc nước tiểu có tác dụng tăng cường miễn dịch chống lại COVID-19. Đó hoàn toàn chỉ là niềm tin.”
“Ngoài ra, việc sử dụng chất thải bò có thể khiến lây lan bệnh tật từ động vật sang người.”
Nhiều người lo ngại rằng việc tập trung đông người có thể khiến virus lây lan nhanh chóng hơn. Trong khi đó, ông Madhucharan Das, phụ trách một trang trại bò khác ở Ahmedabad, cho biết họ đã chủ động giới hạn số lượng người tham gia trị liệu.
Ấn Độ hôm nay, 11/5, ghi nhận 329.942 ca mắc COVID-19 mới. Số ca tử vong tăng thêm 3.876 ca. Tổng số ca bệnh ở Ấn Độ đã lên tới 22,99 ca, và số ca tử vong vì COVID-19 là 249.992 ca.
Ấn Độ hiện đang chiếm một phần ba số ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới mỗi ngày, theo thống kê của Reuters.
Số ca mắc mới trung bình trong bảy ngày qua cũng ở mức cao kỷ lục, 390.995 ca.
Các quốc gia trên toàn thế giới đã gửi bình oxy và các thiết bị y tế khác đến hỗ trợ Ấn Độ, nhưng nhiều bệnh viện vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị.
Một quan chức chính phủ cho biết 11 người đã chết vào cuối ngày thứ Hai tại một bệnh viện công ở Tirupati (bang Andhra Pradesh) do sự chậm trễ của một chiếc xe bồn chở oxy.
Cùng lúc đó, các bác sĩ Ấn Độ cảnh báo về sự tái xuất của bệnh mucormycosis, còn gọi là "nấm đen" ở bệnh nhân COVID-19. Đây là bệnh nhiễm trùng hiếm gặp, nhưng có khả năng gây tử vong.
Căn bệnh này có thể khiến vùng mũi bệnh nhân bị thâm đen, bệnh nhân có thể giảm hoặc mất thị lực, đau ngực, khó thở, ho ra máu.
Việc sử dụng steroid trong điều trị COVID-19, cộng với thực tế là nhiều bệnh nhân COVID-19 cũng mắc bệnh tiểu đường, có thể là lý do khiến số ca nhiễm nấm gia tăng trở lại. Những bệnh nhân COVID-19 có khả năng miễn dịch kém dễ mắc bệnh nhiễm trùng chết người này.
Tác giả: Minh Hạnh
Nguồn tin: Báo Tiền phong