Tin trong tỉnh

Bố mẹ mất, chị em đưa nhau ra tòa đòi thừa kế

Bố mẹ qua đời để lại di chúc cho người con trai duy nhất thừa kế tài sản, tuy nhiên các chị em gái đâm đơn ra tòa đòi thừa kế. Bi kịch của một gia đình tại tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Kiên Cường (SN 1964, trú tại phường Nghi Thủy, Cửa Lò, Nghệ An) là con trai duy nhất của cụ Nguyễn Thanh Phong (SN 1927, mất năm 2012) và cụ Văn Thị Truật (SN 1922, mất năm 2018).

Hai cụ sinh được 5 người con là Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Xuân Lan, Nguyễn Kiên Cường, Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Tùng.

Hai cụ có tài sản chung là thửa đất rộng 483,3m2. Vợ chồng ông Cường phụng dưỡng bố mẹ và ở tại thửa đất trên, đã xây dựng một ngôi nhà 2 tầng, một ngôi nhà cấp bốn.

Ngày 14/1/2005, bố mẹ ông Cường lập bản di chúc cho con trai được hưởng thừa kế toàn bộ thửa đất cùng tài sản trên đất.

Vợ chồng ông Nguyễn Kiên Cường

Tranh chấp xảy ra liên quan tới bản di chúc của cụ Văn Thị Truật được lập vào ngày 10/7/2017. Theo bản di chúc này, 5 người con được chia đều trong 1/2 thửa đất là tài sản chung của 2 vợ chồng cụ Truật.

Tháng 5/2018, các bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Tùng viết đơn khởi kiện em trai ra tòa, yêu cầu chia thừa kế theo bản di chúc của cụ Truật.

2 phiên sơ thẩm, phúc thẩm, TAND thị xã Cửa Lò và TAND tỉnh Nghệ An đều chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn, chia thừa kế theo di chúc ngày 10/7/2017 của cụ Truật với 1/2 thửa đất số 127.

Viện kiểm sát khẳng định di chúc của cụ Truật không hợp pháp

Tại phiên xử phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc lập, công chứng di chúc của cụ Truật ngày 10/7/2017, đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của ông Kiên về việc hủy bản di chúc.

Tài sản tranh chấp của chị em ông Cường

Theo VKS, cụ Truật già yếu, không đi lại được nên thủ tục công chứng được thực hiện tại nơi ở của cụ. Chiều 10/7/2017, tại nhà bà Sen, cụ Truật điểm chỉ vào di chúc do bà Trần Thị Thúy (công ty Luật Hợp danh Thái Bình Dương) đánh máy hộ.

Tuy nhiên, lời chứng tại bản di chúc này lại thể hiện công chứng viên đã công chứng tại Văn phòng công chứng Bắc Trung Bộ vào ngày 11/7/2017. Như vậy, công chứng viên không thực hiện chứng thực di chúc tại nhà theo yêu cầu của cụ Truật, ghi lời chứng không đúng ngày cụ điểm chỉ.

VKS khẳng định, di chúc của cụ Truật là không hợp pháp vì theo quy định tại Khoản 2, Điều 636 (bộ luật Dân sự 2015), khi cụ Truật không đọc được bản di chúc thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký trước mặt công chứng viên. Việc chứng thực bản di chúc phải thực hiện trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Theo lời khai của bà Thúy, công chứng viên và kết quả xác minh của toà án, bà Thúy không ký vào di chúc và công chứng viên không chứng thực vào di chúc tại thời điểm cụ Truật điểm chỉ vào di chúc.

Bản công chứng nhiều sai phạm

Liên quan đến thủ tục công chứng, Văn phòng công chức Bắc Trung Bộ chỉ cung cấp được cho Tòa phiếu yêu cầu công chứng có dấu vân tay nhưng giám định không xác định được vân tay của ai.

Các tài liệu khác như chứng minh nhân dân của người yêu cầu công chứng, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… đều không có.

Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An nhận định bản di chúc có nhiều sai phạm

Liên quan đến vi phạm của công chứng viên, cuối năm 2019, sau khi xác minh đơn tố cáo của ông Cường, Sở Tư pháp Nghệ An xác định: Trong hồ sơ công chứng lưu tại Văn phòng công chứng không có giấy tờ chứng minh nhân thân của cụ Truật là vi phạm điểm c, Khoản 1, Điều 40 Luật Công chứng; việc công chứng không tuân thủ quy định pháp luật.

Từ những vi phạm trên, Sở Tư pháp Nghệ An yêu cầu xử phạt vi phạm của công chứng viên và Văn phòng công chứng Bắc Trung Bộ.

Dù Sở đã chỉ ra sai phạm, tuy nhiên, 2 cấp tòa ở tỉnh Nghệ An vẫn đưa vụ việc ra xét xử, chấp nhận bản di chúc của cụ Truật là hợp pháp.

Không đồng tình với phán quyết của tòa, vợ chồng ông Nguyễn Kiên Cường đã gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội, TA NDTC, Viện KSNDTC để đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm vụ án này.

Tác giả: Thái Bình

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP