Trong nước

Bộ trưởng Bộ Công an, Ngoại giao và Tổng Thanh tra Chính phủ được giao thêm nhiệm vụ

Thủ tướng Chính phủ bổ sung Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an; ông Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ vào Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 15/7/2024 bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an.


Cụ thể, thành viên được bổ sung vào Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm: Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an; ông Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2024.

Theo đó, Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nhiệm vụ chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV; đồng thời tiếp tục tổng hợp, rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh (nếu có).

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, các Luật thuế, Luật Dược... và các văn bản hướng dẫn, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật.

Đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.

Việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn. Cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023 – 2024, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội và các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 5/6/2024 về Phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2024, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24/6/2024 về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2024, trong đó yêu cầu nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các vướng mắc trong các quy định pháp lý.

Cơ sở thực tiễn là yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khi tình hình thay đổi rất nhanh, nhiều vấn đề mới phát sinh, chưa dự báo được, chưa có quy định điều chỉnh hoặc có những vấn đề đã có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua.

Tác giả: Quốc Trần

Nguồn tin: Báo Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP