Pháp luật

Bộ Y tế lên tiếng về hai công văn mật tại vụ án Hoàng Công Lương

Bộ Y tế nghi có uẩn khúc trong giám định kết luận nguyên nhân tử vong của các nạn nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Sáng nay, trong phiên phúc thẩm xét kháng cáo của 5 bị cáo trong vụ án 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận, TAND tỉnh Hoà Bình đến mời đến phòng xử hai giám định viên (Viện khoa học hình sự - Bộ Công an) và nhiều đại diện của các đơn vị thuộc Bộ y tế, Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế) cho biết vụ án là sự cố y khoa nghiêm trọng. Suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử, Bộ Y tế có quan điểm nhất quán là phải xét xử đúng người, đúng tội, không để oan sai. Ông Quang mong phán quyết của phiên phúc thẩm sẽ tạo sự yên tâm cho chuyên gia và các công chức, người lao động trong ngành y tế.

Theo ông Quang, sau phiên sơ thẩm, Bộ Y tế nhận được nhiều văn bản của các nhà khoa học về kỹ thuật lọc máu, hóa học, pháp y. Sau lần trình bày với Thủ tướng về việc này, Bộ Y tế đề nghị cần có công văn chính thức.

Ngày 16/3, Bộ Y tế ra công văn mật số 41 gửi Thủ tướng về việc xuất hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan nguyên nhân tử vong của các nạn nhân trong sự cố y khoa chạy thận ở Hòa Bình. Công văn này chỉ gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực.

Ngày 28/3, Văn phòng Chính phủ có công văn mật truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đến TAND Tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Y tế. Bộ Y tế từ đây được giao tổng hợp ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật lọc máu, hóa học... để gửi các cơ quan tố tụng.

Trên cơ sở này, Bộ Y tế ra công văn mật số 69 gửi Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND Tối cao để cung cấp tài liệu, chứng cứ khoa học mới liên quan đến quá trình giải quyết vụ án. Đến nay Bộ chưa nhận được trả lời của các cơ quan trên.

Theo ông Quang, do chưa được giải mật nên những văn bản trên "chưa thể báo cáo tại đây".

Ngoài các công văn mật, ba ngày trước phiên tòa này, Bộ Y tế còn gửi công văn tới TAND, VKSND tỉnh Hòa Bình, nêu quan điểm rằng phạt bác sĩ Lương về tội Vô ý làm chết người là chưa phù hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trường hợp tòa phúc thẩm vẫn xác định tội danh này với Lương thì sẽ là "tiền lệ vô cùng nguy hiểm, rất xấu" và tạo ra tâm lý bất an cho các nhân viên y tế trong nước.

Bộ Y tế kiến nghị, vụ tai biến Hòa Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, nên việc xác định nguyên nhân tử vong, bản chất vụ án phải thận trọng, kỹ lưỡng. Bộ Y tế đã tổng hợp các ý kiến chuyên gia về pháp lý, trang thiết bị y tế, hóa học... "để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ cho các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình trong vụ án này mà còn cho cả ngành y tế trong hiện tại và tương lai".

Ông Nguyễn Huy Quang xin phát biểu thêm tại toà song bị từ chối. Ảnh: Phạm Dự.

Ông Quang cho rằng vụ án còn nhiều uẩn khúc cần làm sáng tỏ như nguyên nhân tử vong được công an xác định đã chính xác hay chưa? Vì sao trong quá trình sục rửa Bùi Mạnh Quốc sử dụng nhiều hoá chất nhưng khi kết luận chỉ có chất HF.

Bộ Y tế nhận thấy khi vụ án chưa xét xử, Công an tỉnh hoà Bình đã cho bệnh viện phá bỏ hệ thống lọc nước RO trong khi đây là vật chứng quan trọng của vụ án.

Đối đáp ngay sau đó, đại diện Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) khẳng định không có chứng cứ khoa học mới xuất hiện như Bộ Y tế lập luận. Viện Khoa học chịu trách nhiệm pháp lý về tất cả các kết luận đã giám định.

Về nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân, Viện đã tổ chức hội thảo khoa học, mời các nhà khoa học, chuyên gia về phân tích. Tất cả cùng kết luận nguyên nhân tử vong do ngộ độc clorua như giám định.

Khi Bộ Y tế tiếp tục xin được trình bày thêm, HĐXX cho biết "đây là phiên toà phúc thẩm chứ không phải là hội thảo khoa học". Những gì đại diện Bộ Y tế trình bày không thể nói trong vài giờ mà nếu muốn phải tổ chức hội thảo khoa học trong nhiều ngày để làm rõ.

Viện khoa học hình sự khẳng định chịu trách nhiệm về giám định của mình nên HĐXX sẽ không cho tranh luận về vấn đề này.

Hệ thống máy chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Phạm Dự.

Nói thêm về công văn mật số 41, chủ toạ cho hay, sau khi ba cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình nhận được công văn đã họp liên ngành để có văn bản trả lời Bộ Y tế. Về vấn đề này muốn cụ thể hơn Bộ Công an sẽ trả lời bằng văn bản cho Chính phủ theo yêu cầu.

Ngay sau đó, nhiều đại diện Bộ Y tế liên tiếp giơ tay xin được phát biểu. Tuy nhiên HĐXX giải thích rằng công văn mật số 41 không phải là chứng cứ để xem xét trong giai đoạn phúc thẩm. Tài liệu này được bỏ ngoài hồ sơ vụ án. Nhận được công văn 41, ngành tư pháp tỉnh Hoà Bình đã báo cáo ba ngành tư pháp Trung ương và được cho phép mời Bộ Y tế lên phiên toà phúc thẩm để trình bày quan điểm về những luận cứ nêu tra trong công văn.

Nhiều luật sư đề nghị nếu không cho xét hỏi Bộ Y tế thì mời họ quay lại phần tranh luận song chủ toạ tuyên bố chấm dứt phần "giải thích của đại diện Bộ Y tế", dừng phiên làm việc sáng nay.

Tác giả: Phạm Dự

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP