Mặc dù bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau khi đổ bộ vào Hà Tĩnh và Quảng Bình, ở vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đã có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7.
Mưa lớn ở miền núi thường gây sạt trượt các tuyến giao thông. |
Các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to (100-250mm). Nhằm chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 4, các huyện miền núi Nghệ An có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao cũng đã chủ động sẵn sàng các biện pháp ứng phó, nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nghệ An có 6 huyện vùng núi cao, biên giới là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp. Hàng năm, hoàn lưu sau bão luôn gây hậu quả nặng nề cho các địa phương này, nhất là mưa lớn, các hồ thủy điện quá tải, buộc phải xả lũ.
Huyện Kỳ Sơn tiếp giáp biên giới Việt Lào không chỉ ảnh hưởng bởi lũ quét trên địa bàn mà cả lũ lớn từ phía Lào tràn về, khiến nhà cửa ở các xã Mỹ Lý, Mường Típ, Mường Ải cũng có nguy cơ bị cuốn trôi. Chính vì thế, huyện Kỳ Sơn đã chủ động cảnh báo cho người dân về các nguy cơ và hậu quả do mưa lũ để người dân chủ động phòng tránh.
Ông Phan Sĩ Thắng, Chánh văn phòng ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn cho biết, bên cạnh đó sẵn sàng các phương án 4 tại chỗ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai xảy ra.
“Huyện đã có kế hoạch cùng các Đồn biên phòng tại nơi có nguy cơ sạt lở đất, hướng dẫn bà con thực hiện công tác phòng chống thiên tai với phương châm 4 tại chỗ. Sơ tán kịp thời nhân dân rồi học sinh các nhà trường, đảm bảo làm thế nào để tránh nguy cơ sạt lở đất...”, ông Thắng nói.
Huyện Tương Dương và huyện Con Cuông cũng là những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hoàn lưu sau bão, khi hệ thống thủy điện dọc sông Lam xả lũ.
Nhiều năm qua, mỗi đợt các nhà máy thủy điện xả lũ thì hàng trăm hộ dân cũng như các công trình hạ tầng, ruộng vườn của 2 địa phương này bị thiệt hại nặng nề.
Ông Phan Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, năm 2018, mặc dù 5 nhà máy thủy điện dọc sông Lam xả lũ đúng quy trình nhưng người dân các huyện Tương Dương, Con Cuông của tỉnh Nghệ An vẫn bị ảnh hưởng nặng nề; riêng huyện Tương Dương có 153 hộ dân bị mất nhà cửa, đến nay còn 28 hộ vẫn chưa có nhà ở ổn định. Năm nay, Tương Dương đã xây dựng quy chế phối hợp với các nhà máy thủy điện về chấp hành nghiêm quy trình xả lũ.
“Ban phòng chống, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn huyện Tương Dương xây dựng quy chế phối hợp với tất cả 5 nhà máy thủy điện, đó là quá trình lũ về thì yêu cầu các nhà máy thủy điện phải thực hiện nghiêm, chấp hành nghiêm quy trình xả lũ đã được Thủ tướng chính phủ cũng như Bộ công thương đã phê duyệt, đó là điều kiện tiên quyết bắt buộc để làm hạn chế thiệt hại thấp nhất cho người dân ở vùng hạ du”, ông Phan Đức Sơn nói.
Ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An không thể chủ quan khi bão vào cũng như hoàn lưu sau bão, trong đó công tác bảo vệ, vận hành hồ chứa là rất quan trọng vì liên quan đến hạ du.
“Chúng tôi cũng đã triển khai chỉ đạo các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm iếm cứu nạn tỉnh, chủ động kiểm tra công việc được phân công theo địa bàn và các lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là kiểm tra các hệ thống hồ đập. Tỉnh Nghệ An có đến 625 hồ đập, bởi vì nó liên quan đến hạ du, phải kiểm tra an toàn hồ đập trước khi bão lụt vào...”, ông Hồng cho hay.
Để ứng phó với hoàn lưu bão số 4, nhiều hò, đập trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động tiêu thoát nước để bảo vệ hồ, đập khi có mưa to. Nhiều hồ bắt đàu xả lũ từ sáng sớm nay như hồ Sông Sào trên địa bàn xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn. Mặc dù mực nước thấp, nhưng cũng bắt đầu xả 1 cửa tràn, với lưu lượng xả 300 m3/s, từ 7 giờ sáng ngày hôm qua đến hết ngày mai 31/8 , dự kiến sẽ xả trên 10 triệu m3 nước./.
Tác giả: Quốc Khánh
Nguồn tin: Báo VOV