Bạn cần biết

Các loại cây độc không nên trồng trong nhà

Dưới đây là các loại cây độc không nên trồng trong nhà, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ.

Hoa ly lửa

Báo VnExpress dẫn lời bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị Điều trị Ban Ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM) cho biết hoa ly lửa (hay còn gọi với tên phổ biến là cây ngọt nghẽo, ngót nghẻo, huệ lồng đèn, loa kèn lửa, hoa móng hổ),... thuộc họ bả chó, họ tỏi độc. Tất cả các thành phần của cây ngót nghẻo đều chứa chất độc có thể giết chết người và động vật. Đặc biệt phần rễ củ của cây giống với các thành viên khác trong họ bả chó chứa rất nhiều chất độc colchicine, alkaloid gloriocine.

"Chỉ sau hai giờ trúng độc, nạn nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn mửa, tê bì và ngứa ran xung quanh miệng, rát cổ họng, đau bụng, tiêu chảy ra máu, dẫn đến tình trạng mất nước. Khi chất độc tiến triển trong cơ thể sẽ khiến tiêu cơ vân, tắc ruột, suy hô hấp, hạ huyết áp, rối loạn đông máu, đái ra máu, co giật, hôn mê và tổn thương đa thần kinh", bác sĩ Vũ lưu ý.

Với nạn nhân là phụ nữ, chất độc của loại hoa này còn gây lột da và chảy máu âm đạo. Thực tế đã có trường hợp ăn phải củ ngót nghẻo bị rụng tóc dẫn tới hói đầu hoàn toàn, thậm chí lông trên cơ thể còn bị rụng. Ở Nigeria chất độc từ cây ly lửa được sử dụng để tẩm vào mũi tên. Trong khi ở Ấn Độ, củ loài cây này được người dân đặt lên cửa sổ để đuổi rắn độc ra xa khu vực nhà ở.


Xương rồng ba cạnh

Bài viết trên Tạp chí tri thức trực tuyến cho biết, cây xương rồng ba cạnh có độc (đặc biệt là nhựa trắng có trong toàn cây). Điều này được nói đến trong nhiều công trình y học ở nước ta như Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam...

Theo các bác sĩ, xương rồng ba cạnh là một vị thuốc nhiều tác dụng như tẩy, kháng khuẩn, chống viêm... nhưng loại này chỉ được dùng ngoài da và theo chỉ định. Các công trình y học đều nhấn mạnh người chưa có kinh nghiệm thì không nên dùng loại cây này.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi dùng ngoài da, chất nhựa có trong cây xương rồng ba cạnh cũng có thể gây kích ứng, làm tổn hại lớp niêm mạc da (đối với trường hợp da mỏng, da bị trầy xước...) và gây rát, phồng rộp, đỏ... Nếu không may để rơi vào mắt, nhựa cây cũng có thể gây mù mắt.

Mao địa hoàng

Còn được gọi dương địa hoàng, loài hoa màu tím xinh đẹp này thường có mặt trong các vườn cây cảnh hoặc được sử dụng làm cây trồng trong nhà. Điều mà ít người biết là lá, hoa và thậm chí cả hạt của nó có chứa một chất được gọi là digoxin có thể gây tử vong cho động vật và con người khi ăn phải.

Do độc tính nguy hiểm này, việc trồng mao địa hoàng ở nhà có thể gây ra các nguy cơ sức khỏe cho gia đình và thú cưng của bạn.

Trầu bà vàng

Trầu bà vàng có những chiếc lá to, hình dáng đẹp mắt nên trông rất trang nhã khi được dùng để trang trí trong nhà. Trầu bà vàng có tên khoa học là Pothos, hay còn được biết đến với cái tên Devil’s Ivy.

Cũng giống như các loại cây kể trên, loại cây này có các chất như canxi oxalat, có thể gây kích ứng môi, lưỡi và miệng, chảy nhiều nước dãi và thậm chí là nôn mửa.

Trúc đào

Loại cây này có tên khoa học là Nerium oleander L thuộc họ trúc đào (Apocynaceae). Toàn cây trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc, gồm acid hydrocyanic và những glucosid độc là oleandrin, neriin, neriantin.

Y học cổ xưa đã công nhận trúc đào rất độc. Bò, ngựa ăn phải một số lá trúc đào tươi đã bị ngộ độc. Người ăn thịt súc vật chết vì lá trúc đào cũng bị ngộ độc. Qua thử nghiệm, người uống phải nước có lá trúc đào rơi vào hay nước ngâm rễ trúc đào cũng gặp hiện tượng này. Ở đảo Corse, Pháp, có trường hợp ngộ độc vì ăn chả nướng xiên bằng cành trúc đào và uống nước đựng trong chai nút bằng gỗ trúc đào.

Những triệu chứng ngộ độc trúc đào là tình trạng khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt với liều nhỏ; tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong nếu trúng liều cao.

Do đó, không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào; không để trẻ nhỏ nhặt chơi hoa trúc đào vì trẻ dễ cho hoa vào miệng; không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào.

Tác giả: HẠ AN (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP