Chung cư Phú Hòa là dự án nhà ở xã hội cho cán bộ, viên chức đầu tiên của Bình Dương có vị trí trung tâm, nhiều trường hợp ở sai đối tượng, “quên” trả nhà - Ảnh: TUẤN DUY |
Trong bối cảnh quỹ nhà ở xã hội nói chung cho người lao động và cả cán bộ viên chức khác còn rất thiếu nên dư luận xầm xì các trường hợp nói trên đã tước đi quyền ưu tiên của những người khó khăn hơn.
Ở sai đối tượng, không chịu trả nhà
Hiện nay toàn tỉnh Bình Dương mới có duy nhất một dự án nhà ở xã hội cho cán bộ công chức được đưa vào hoạt động là chung cư Phú Hòa (đường D8, khu dân cư Phú Hòa 1, TP Thủ Dầu Một).
Công trình này có diện tích trên 4.000m2, gồm một trệt năm lầu, có tổng cộng 117 căn hộ, đầu tư bằng vốn ngân sách, hoạt động từ năm 2012. Do quỹ nhà rất hạn hẹp nên số lượng phân bổ cho các sở ngành, đơn vị cũng chỉ từ 1 - 4 trường hợp/đơn vị.
Cán bộ, viên chức muốn được duyệt thuê chung cư Phú Hòa phải đảm bảo nhiều tiêu chí như: chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, có thu nhập bình quân hằng tháng của hộ gia đình đảm bảo quy định... và được xét duyệt qua hội đồng cấp tỉnh (Sở Xây dựng là cơ quan thường trực).
Thế nhưng vừa qua, hội đồng xét duyệt có công văn rà soát, cho thấy tới một nửa (41/89 trường hợp rà soát) là cán bộ, viên chức đang thuê nhà ở của Nhà nước là "có vấn đề". Đó là các trường hợp: ở không đúng đối tượng (có nghi vấn có thể cho thuê lại), không ở nhưng cũng không trả lại, nợ tiền thuê nhà, đã nghỉ việc... Từ đó, hội đồng xét duyệt phải tham mưu để trình UBND tỉnh có quyết định thu hồi nhà.
Trong danh sách các cán bộ "quên trả nhà" ở rất nhiều sở ngành khác nhau. Nhiều người cho người khác ở ("ở không đúng đối tượng") như ông N.B.T. (Sở Kế hoạch và Đầu tư), Đ.T.Tr. (Văn phòng đăng ký đất đai Sở TN&MT), Đ.H.T., L.N.Q. (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh), T.V.T. (Sở GD-ĐT), H.M.T. (Sở Tư pháp), H.T.V. (Thanh tra tỉnh), N.M.N. (Sở Ngoại vụ)...
Một số trường hợp cán bộ, viên chức đã nghỉ việc, cơ quan tham mưu phải đề xuất UBND tỉnh ra quyết định thu hồi như H.T.T.C. (Trung tâm giới thiệu việc làm), N.N.C. (Sở Thông tin và Truyền thông), L.T.T.Q. (Sở Khoa học và Công nghệ)... Cá biệt, có một số trường hợp có thời điểm nợ tiền thuê nhà của Nhà nước nhiều tháng.
Giá thuê bằng phòng trọ sinh viên
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, việc kiểm tra các trường hợp thuê nhà ở xã hội có đúng đối tượng rất khó khăn vì nhiều trường hợp đoàn kiểm tra tới ba lần nhưng đều không có người mở cửa. Có trường hợp đã có nhà, đất nhưng không chủ động trả lại nhà mà cơ quan quản lý phải chủ động rà soát để tham mưu tỉnh thu hồi lại nhà cho thuê.
Vì sao nhiều cán bộ, viên chức thuê nhà ở xã hội của Nhà nước nhưng khi có nhà đất sở hữu riêng, không còn nhu cầu thuê vẫn "quên" trả lại nhà? Theo một cán bộ am hiểu thì do giá thuê nhà ở xã hội của Nhà nước "rẻ như cho" và có tâm lý cán bộ thuê nhà ở xã hội với mong muốn sẽ được mua hóa giá của Nhà nước.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, giá thuê nhà ở xã hội Phú Hòa trung bình chỉ khoảng 20.000 đồng/m2 và hầu như không tăng sau hơn 10 năm tòa nhà này được đưa vào sử dụng.
Giá thuê này chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn giá thuê phòng trọ sinh viên của một trường đại học gần đó. Trong khi đó, chung cư Phú Hòa nằm trong khu dân cư ở trung tâm của TP Thủ Dầu Một với nhiều tiện tích, đi lại thuận tiện. Cũng trong khu dân cư này, với một chung cư khác do doanh nghiệp đầu tư, giá thuê theo thị trường với các căn hộ 30 - 60m2 phải từ 5 - 10 triệu đồng.
Làm sao để khắc phục tình trạng cán bộ không còn đủ điều kiện "quên" trả nhà? Hội đồng xét duyệt tỉnh Bình Dương cho biết vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị đề nghị rà soát các trường hợp thuê nhà.
Sở cũng chủ động có các biện pháp kỹ thuật để phát hiện các trường hợp cán bộ, viên chức đã sở hữu nhà đất để đề xuất UBND tỉnh thu hồi, nhằm tạo ra quỹ nhà mới cho các trường hợp đang có nhu cầu thực sự chưa được thuê. Mới đây, qua rà soát, UBND tỉnh đã có quyết định cho 35 trường hợp mới là cán bộ, công chức, viên chức... được thuê nhà ở xã hội Phú Hòa.
Về các trường hợp "quên" trả nhà ở xã hội, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết có tham mưu UBND tỉnh thu hồi với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, sau hơn một tháng Tuổi Trẻ liên hệ, lãnh đạo sở này hứa nhưng vẫn chưa cung cấp thông tin tiến độ rà soát cụ thể.
Còn rất thiếu nhà ở xã hội Theo UBND tỉnh Bình Dương, tính đến nay toàn tỉnh đã thu hút hơn 86 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích gần 200ha. Tuy nhiên, các căn nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động hầu hết ở xa trung tâm, chủ yếu liền kề các khu công nghiệp, không có vị trí "đắc địa" và thuận lợi như chung cư xã hội Phú Hòa, tọa lạc tại trung tâm của TP Thủ Dầu Một. Bình Dương hiện cũng có 33 dự án nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, với diện tích khoảng 105ha, nếu được đầu tư sẽ có thêm trên 30.000 căn nhà. Tuy nhiên, rất tiếc tới nay hầu hết các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại này vẫn chưa được triển khai. |
Thực hư "trả nhà 5 - 6 năm" vẫn còn trong danh sách chậm trả? Trong danh sách rà soát đối tượng thuê nhà ở xã hội Phú Hòa, có nhiều cái tên quen thuộc hiện đang giữ các trọng trách quản lý tại các sở, ngành, cơ quan của tỉnh Bình Dương. Trong đó, có trường hợp "đang trình UBND tỉnh thu hồi do kiểm tra ba lần đều khóa cửa. Không ở. Nợ tiền thuê nhà từ tháng 6-2021 đến nay". Để có thông tin khách quan, Tuổi Trẻ đã tìm cách trao đổi với người có tên. Sau nhiều lần liên lạc không được, PV Tuổi Trẻ phải dùng số máy khác để liên lạc. Người này nói đã trả nhà 5 - 6 năm nay, có gì thì hỏi thêm bên Sở Xây dựng. Tuy nhiên khi đối chiếu với danh sách rà soát của hội đồng xét duyệt thì không phải vậy, ít nhất tại thời điểm tháng 5-2022 người này vẫn chưa trả nhà. Việc đến nay UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định thu hồi nhà cho thuê nói trên hay chưa thì Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng chưa có câu trả lời. |
Tác giả: Tuấn Duy
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ