|
Dù mới chỉ được thành lập từ năm 2009 nhưng có thể nói hãng xe điện Rimac tới từ Croatia đã có những bước phát triển thần tốc. Xuất phát điểm chỉ là một nhóm những người đam mê xe tìm cách độ một chiếc BMW 3 Series E30 đời 1984 thành xe điện, Rimac đã nhanh chóng trở thành một trong những hãng cung cấp hệ động lực điện tốt nhất Thế giới. Sau thành công với dòng siêu xe điện Concept One ra mắt lần đầu vào năm 2013, Rimac đã sẵn sàng tiến một bước xa hơn nữa với mẫu hypercar Rimac C_Two hoàn toàn mới.
|
Rimac tuyên bố bốn động cơ điện của C_Two có công suất lên tới 1.914 mã lực và mô-men xoắn 2.300 Nm. Hai bánh trước của C_Two có hộp số riêng, mỗi bánh xe có động cơ điện riêng cho phép xe di chuyển hiệu quả trên mặt đường trơn trượt, đồng thời chủ động quản lý sức mạnh cấp cho từng bánh xe.
|
Hầu hết xe điện hiện nay có xu hướng giảm công suất sau mỗi lần tăng tốc tối đa, nhưng C_Two lại không rơi vào trường hợp này. Được trang bị hai hộp số hai cấp cho bánh sau, xe có thể liên tục tăng tốc ở tốc độ tối đa 415 km/h.
|
Rimac sử dụng công nghệ độc quyền Rimac Torque Vectoring (R-AWTV) thay thế hệ thống quản lý ổn định và điều khiển lực kéo truyền thống trên dòng xe hiện nay. Công nghệ này giúp phân bổ chính xác sức mạnh cho từng bánh xe. Chính vì vậy, C_Two có thể chạy ở chế độ AWD mặc dù ngay trước đó đang drift như một chiếc xe thể thao thực thụ.
|
Nhờ có hệ động lực siêu mạnh, Rimac C_Two đạt hiệu năng xứng đáng được liệt vào hàng hypercar. Đánh bại Tesla Roadster thế hệ mới, chiếc xe có thời gian tăng tốc từ 0-96km/h "kinh hoàng" là 1,85 giây, trong khi tốc độ tối đa đạt được là 412km/h. Không chỉ có hiệu năng của một hypercar, kiểu dáng của C_Two cũng đã giống như một siêu xe thực thụ. Thay vì có dạng như một chiếc xe động cơ đặt trước như người tiền nhiệm Concept One, C_Two được tạo hình với các tỷ lệ thân xe tương tự các mẫu siêu xe động cơ đặt giữa.
|
Pin của C_Two có tổng công suất ấn tượng 120 kWh, sử dụng hệ thống làm mát chất lỏng giữ 6.960 cel pin ở nhiệt độ tối ưu ngay cả khi tăng tốc tối đa. Nhà sản xuất cho biết C_Two có thể hoàn thành hai vòng đua Nurburgring mà không bị giảm công suất hoạt động.
|
Pin của C_Two có thể sạc rất nhanh, đạt 80% chỉ chưa đầy 30 phút cho quãng đường di chuyển 646 km. Thân và mui xe được làm bằng sợi carbon, phần cấu trúc hấp thụ lực va chạm làm bằng sợi carbon và nhôm.
|
Rimac đã hài hòa giữa các bề mặt mềm mại, đường nét sắc sảo và các mảng thân xe xếp chồng lớp để tạo thành một tổng thể thiết kế đầy gợi cảm nhưng cũng mang đậm tính "tương lai" cho C_Two. Là một hypercar, chiếc xe đương nhiên cũng có phần thân được làm từ sợi carbon siêu nhẹ. Một trong những chi tiết nổi bật của C_Two đó là bộ mâm 5 cánh với thiết kế độc đáo, mô phỏng hình dáng của mô-tơ điện hay các tua-bin phản lực.
|
Rimac cũng không quên chú trọng tới nội thất của C_Two, biến nơi đây trở thành một không gian tối giản nhưng hiệu quả và sang trọng cho người lái cùng hành khách. Hãng đã hạn chế tối đa số nút bấm bên trong cabin, thay vào đó là một màn hình cảm ứng đồng thời đóng vai trò là hệ thống thông tin giải trí. Toàn bộ nội thất của C_Two cũng được bọc kín trong da cao cấp - bao gồm cả từng ngóc ngách như khoang để chân.
|
Một điểm đặc biệt khác của mẫu siêu xe điện này đó là nó được trang bị tới 8 camera khác nhau, một cặp cảm biến của hãng LIDAR, 6 radar, cả tá cảm biến sóng siêu âm khác và hệ thống GPS siêu chính xác. Những trang bị này khiến C_Two có thể tự lái ở cấp độ 4 gần như cao nhất hiện nay. Đồng thời, chiếc xe còn được trang bị phần mềm trí thông minh nhân tạo, mở ra khả năng nhận diện khuôn mặt để mở khóa cùng nhiều tính năng độc đáo khác.
|
Những yếu tố đó đưa Rimac C_Two vào top những siêu xe nhanh nhất mọi thời đại bên cạnh Bugatti Chiron và Koenigsegg Agera RS, thậm chí chiếm giữ ngôi đầu trong năm 2018 (theo bảng xếp hạng của Top Gear). Hiện tại, Rimac có kế hoạch chỉ sản xuất 150 mẫu C-Two, tất cả đều đã có chủ với giá 2 triệu USD/chiếc (gần 47 tỷ đồng).
Tác giả: Nam Dương
Nguồn tin: Báo Người đưa tin